A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Trại rắn Đồng Tâm (Quân khu 9) điều trị hơn 750 bệnh nhân bị rắn cắn

Theo Trung tá, BSCKI Lê Văn Tâm, Phó chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm (Cục Hậu cần Quân khu 9), từ đầu năm đến nay, bệnh nhân bị rắn cắn đến điều trị tại khoa tăng hơn so với năm 2022. Trong tổng số 754 ca (tính đến ngày 5-10) có nhiều ca được chuyển đến trong tình trạng nguy kịch.

Nghe qua câu chuyện bị rắn cắn của chị Trịnh Kim Liên, sinh năm 1983, ngụ tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) nhiều người phải hết sức cảnh giác.

12 giờ đêm ngày 1-10, chị Liên vừa bước vào nhà vệ sinh thì thấy nhói đau ở bàn chân phải. Tưởng bị vật gì đâm, nhưng khi nhìn xuống thì thấy một con rắn lục đuôi đỏ to bằng ngón chân cái đang nằm khoanh tròn gần bồn cầu. Chân sưng to rất nhanh, đau nhức, máu chảy nhiều, lập tức chị Liên được người nhà chở đến đến Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm cấp cứu. Qua gần một tuần điều trị, sức khỏe chị dần ổn định và xuất viện sau đó ít ngày.

Còn anh Phạm Thành Việt, 35 tuổi, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri (Bến Tre) kể: “Rạng sáng ngày 30-9, khi tôi đi làm ngoài ruộng thì bị rắn lục đầu vồ đuôi đỏ tấn công. Bị một vết thương nhỏ ở ngón chân nhưng máu chảy nhiều, ít phút sau mắt tôi mờ đi, lưỡi cứng, tim đập dồn dập, ngực nặng khó thở. Khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đang nằm tại Khoa điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm. May mà đến đây kịp, nếu không chuyện chẳng lành đã xảy ra với tôi”.

Trung tá Lê Văn Tâm đang điều trị cho bệnh nhân Trịnh Kim Liên bị rắn cắn. 

Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, rắn độc tấn công người ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là ở các khu đô thị mới có những nền nhà chưa cất, cỏ dại mọc nhiều, khi đi tập thể dục; thậm chí khi phơi đồ, làm cỏ, hái rau, trồng trọt, bắt cá, chặt củi…

Người dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thường bị các loại như: Rắn hổ đất, chàm quạp, rắn lục, cạp nong, cạp nia… tấn công, gây toan máu, ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Riêng, với rắn lục đầu vồ đuôi đỏ - là loại có độc tính cao, tốc độ nhiễm nọc độc vào cơ thể rất nhanh. Nọc độc tập trung tấn công vào máu gây nhiễm trùng, phù nề hoại tử, nhiều trường hợp phải cắt bỏ chi thể nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

“Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã điều trị cho hơn 100 bệnh nhân bị rắn độc tấn công đến từ các tỉnh: Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh.... Tất cả các trường hợp điều trị đều thành công, không ảnh hưởng đến tính mạng”, Trung tá Nguyễn Duy Hưng nói.

Trung tá Lê Văn Tâm, Phó chủ nhiệm Khoa điều trị rắn cắn cho biết thêm: “Thời tiết ẩm ướt, nước ngập nhiều nên loài rắn độc thường tìm nơi khô ráo để trú ngụ, vì vậy con người cũng thường xuyên phải đối mặt với chúng. Hiện nay, chúng tôi luôn túc trực 24/24 giờ. Khi bệnh nhân đến cấp cứu, chúng tôi phải xác định được loại rắn nào cắn để điều trị cho phù hợp. Ở đây chúng tôi chủ yếu điều trị bằng kháng huyết thanh theo từng loại rắn cắn. Nếu không điều trị chuẩn xác, nạn nhân dù không chết thì cũng bị nhiễm trùng, hoặc hoại tử, dẫn đến phải cắt bộ phận cơ thể. Nhờ đó mà tất cả những ca bị rắn độc cắn đưa đến khoa đều được cứu chữa kịp thời, không có sự cố đáng tiếc xảy ra”.

Không chỉ biết đến là nơi điều trị rắn cắn, Trại rắn Đồng Tâm, Cục Hậu cần Quân khu 9 còn được xem là khu du lịch độc đáo.

Nhân viên trại rắn chăm sóc rắn hằng ngày. 

Thời gian qua, rất nhiều bệnh nhân khi bị rắn cắn vẫn còn sử dụng các phương pháp như chích, lể, đắp thuốc, lấy nọc. Do vậy chỉ một, hai ngày sau vết cắn sưng nề, hoại tử, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện thì lúc này việc điều trị kéo dài, tốn kém và phức tạp.

Mặt khác, một số bà con vẫn còn có thói quen khi bị rắn cắn là chạy đến các “thầy lang” để rạch vết cắn, hút nọc, hoặc đắp lá thuốc. Phương pháp này thường gây rối loạn đông máu, nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng huyết dẫn tới tử vong.

Theo khuyến cáo của Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó giám đốc Trại rắn Đồng Tâm, khi bị rắn cắn, tuyệt đối bệnh nhân không được lấy nọc, đắp thuốc, chích, lể, nặn máu, ga rô, buộc dây.

Ngoài ra, trong quá trình lao động bà con nên sử dụng bảo hộ lao động như găng tay, ủng, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, khi đi ngủ phải quan sát gầm giường, ga, gối, nệm. Phải rửa ngay vết thương bằng nước sạch, không nên chữa trị bằng những loại lá cây dại vì rất có thể dẫn tới nhiễm trùng. Bà con cần tuân thủ an toàn lao động khi làm việc tại những nơi có nhiều cây cối, chủ động phát quang bụi rậm quanh nhà để rắn không có nơi trú ngụ. Đặc biệt, dù chưa xác định rắn có độc hay không độc, cũng cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời…

Bài, ảnh: QUANG ĐỨC


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết