A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra y tế

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ, chính sách đối với thanh tra y tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng số lượng thanh tra viên y tế; tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra y tế, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Article thumbnail
Ảnh minh họa: BYT

“Được sự quan tâm của các cấp, ngành, hệ thống thanh tra y tế từng bước phát triển và đạt được nhiều thành tích, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”, Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đến cuối năm 2020, có 358 cán bộ hiện đang công tác tại Thanh tra Bộ Y tế, các tổng cục, cục được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và thanh tra sở y tế của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dân liên quan, hệ thống thanh tra y tế ở Bộ Y tế chỉ bố trí tại Thanh tra Bộ, Cục Dân số và Cục An toàn thực phẩm. Tại các tỉnh, thành hiện nay chỉ bố trí tại thanh tra sở.

Theo Bộ Y tế, mặc dù còn có nhiều khó khăn về biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng hệ thống thanh tra y tế đã tích cực tham mưu, giúp thủ trưởng các cơ quan ngành Y tế thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước, quản lý chuyên ngành.

Hằng năm, các cơ quan thanh tra y tế đã phát hiện, kiến nghị xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước của Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các đối tượng thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Y tế gia tăng như: Số lượng cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm, vật tư y tế công lập và ngoài công lập ngày càng gia tăng; chính sách về an sinh xã hội ngày được mở rộng.

Theo dự báo, đến thời điểm năm 2030, số đối tượng thụ hưởng các dịch vụ y tế sẽ tăng cao so với thời điểm hiện tại; đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế cũng tăng nhiều với mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi được tăng cường.

Mặt khác, trước xu thế hội nhập quốc tế, Việt Nam đã phê chuẩn nhiều công ước về chăm sóc sức khỏe nhân dân, các lĩnh vực y tế có yếu tố nước ngoài, bảo vệ bà mẹ, trẻ em... tình hình dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh như Covid-19 vừa qua có tầm ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến sức khỏe, đời sống của người dân và kinh tế, xã hội của cả nước và trên thế giới.

Trước bối cảnh ấy, với thực trạng về năng lực của thanh tra y tế cho đến nay vẫn đang bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Thiếu về số lượng cán bộ; chất lượng cán bộ còn có một bộ phận hạn chế về kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ; cơ cấu tổ chức của các cơ quan thanh tra y tế còn có những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; quy trình thanh tra chưa được thống nhất từ Trung ương đến địa phương; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức, hoạt động và chế độ của thanh tra y tế cũng vẫn còn hạn chế, bất cập; vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động thanh tra y tế cần quan tâm; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ vừa thiếu vừa lạc hậu; kinh phí cho hoạt động thanh tra y tế còn hạn chế.

Để khắc phục tình trạng này, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chế độ, chính sách đối với thanh tra y tế. Kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng số lượng thanh tra viên y tế đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho thanh tra y tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và hoạt động thanh tra y tế. Đặc biệt là hệ thống thông tin, dữ liệu tiếp công dân và kê khai tài sản, thu nhập.

Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tài chính cho hoạt động thanh tra y tế. Phối hợp các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, Mặt trận Tổ quốc, hội y dược học tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thanh tra y tế thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Đáng lưu ý, Bộ Y tế tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho thanh tra y tế, trong đó: 100% công chức thanh tra được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên và thanh tra viên; 70% thanh tra viên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên chính và thanh tra viên chính; 20% thanh tra viên chính được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên cao cấp và thanh tra viên cao cấp. 100% công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành.

Về cơ cấu ngạch công chức thanh tra y tế tại Thanh tra Bộ và thanh tra sở y tế, 100% có trình độ đại học trở lên phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đảm bảo thực hiện nhiệm vụ thanh tra y tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết