Nhịp sống Hà Nội qua ngõ nhỏ
Hà Nội hôm nay với nhiều đổi thay cùng nhiều công trình đô thị hiện đại nhưng những người yêu Hà Nội, du khách trong và ngoài nước lại thích tìm đến những khu phố cổ, nơi mọi hoạt động đều bình yên trong các con ngõ nhỏ.
Du khách đến đây không tìm kiếm hay tìm hiểu một ngôi nhà cụ thể nào, họ đến chỉ vì yêu thích kiến trúc của các khu phố cổ với những con ngõ nhỏ, phố nhỏ ít nhiều có tính kế thừa hình thái kiến trúc đô thị người xưa. Với những đô thị “truyền thống” đó, nhiều hình ảnh vật chất, thương mại của Hà Thành xưa vẫn được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Những ngõ nhỏ tối sâu hun hút giữa lòng phố cổ là hình ảnh quen thuộc đối với người dân sinh sống trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này. |
Ngõ ở Hà Nội có mật độ chằng chịt cao, đặc điểm chung là ngõ hẹp, tên ngõ Hà Nội cũng phong phú đa dạng, có khi đặt theo tên phố như: ngõ Huế (phố Huế, quận Hai Bà Trưng), ngõ Đồng Xuân (phố Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm)... nhưng đa phần lại đặt tên riêng như ngõ Trung Yên (phố Đinh Liệt, quận Hoàn Kiếm), ngõ Cấm Chỉ (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), ngõ Tạm Thương (phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm)...
Ngõ Cấm Chỉ được xếp vào khu phố ẩm thực vì trong ngõ hầu như chỉ có các hàng ăn uống, đặc sản ba miền Bắc - Trung - Nam. Ngõ Gia Ngư (phố Gia Ngư, quận Hoàn Kiếm) lại chuyên kinh doanh quần áo, các sạp hàng cứ thế san sát nhau với các loại quần áo của mọi lứa tuổi, giá cả hợp lý mặt hàng đa dạng nên lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp.
Chính ngõ nhỏ, phố nhỏ đã trở thành đề tài trong các bức vẽ của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông vẽ nhiều và vẽ đẹp đến mức ai cũng phải khen ngợi và gọi ông trìu mến với cái tên là “Phái phố”.
Trải qua bao thăng trầm, biến cố, những ngõ ấy vẫn giữ được sự cổ kính và ở đó vẫn tồn tại nhịp sống lưu giữ bao thói quen, văn hoá đặc trưng của người Hà Nội. |
Một trong những con ngõ làm tò mò du khách chính là ngõ Phất Lộc (phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) và in dấu trong mỗi người con Hà Nội xưa. Con ngõ nhỏ nằm giữa lòng phố cổ có lối đi âm âm hình ống, quanh năm không có nắng chiếu.
Bà Hoàng Thị Lan, người sinh ra và đã gắn bó với Phất Lộc suốt 57 năm cho hay: “Người ta vẫn hay thường gọi đó là ngõ của họ Bùi vì một thời cả ngõ hầu như là cư dân của dòng họ Bùi từ phủ Thái Bình (tỉnh Thái Bình nay) di dân”.
Điều dễ thấy ở các con ngõ nhỏ là có rất nhiều di tích thờ các vị quan có công với đất nước hoặc các tổ nghề. Trưởng ban quản lý đền Tiên Hạ, ông Nguyễn Hân cho biết: “Đền Tiên Hạ (ngõ Phất Lộc) thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn, một tài năng lớn có công giúp các đời vua Trần chống giặc ngoại xâm và xây dựng kinh thành Thăng Long”.
Điểm đặc biệt ở đây là ngõ gồm ba nhánh nhỏ có lối vào từ ba con phố khác nhau: cuối phố Hàng Mắm và đầu các phố Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Hữu Huân. Ba nhánh này lại hội tụ ở cổng ngôi đền Tiên Hạ. |
Nếu nói về hình thái góc khuất đô thị vừa mang chiều sâu tâm linh, vừa ồn ã đời thường thì ngõ Phất Lộc đặc trưng nhất. Phất Lộc còn được biết đến với món ăn nổi tiếng hấp dẫn khách tứ phương - bún đậu mắm tôm. Du khách đã một lần đặt chân đến đây không thể không quay lại được vì nỗi nhớ món ăn có “một không hai” mang “quốc hồn, quốc túy” này.
Ngõ nhỏ Tạm Thương nối hai đầu phố Hàng Bông và phố Yên Thái, nơi đây cũng từng có tên là Trạm Thương, theo người dân trong ngõ thì Trạm Thương tức ngày trước có xây một kho thóc thuế của dân nộp trước khi chuyển kho chính gọi là kho Trạm Thương, sau này được đổi thành Tạm Thương.
Cũng giống như nhiều con ngõ khác, ngõ Tạm Thương cũng được thương mại hóa tối đa, những người buôn bán nhỏ đã tận dụng từng mét vuông trong ngõ để bày bán đầy đủ các loại hàng hóa và món ăn trứ danh nổi tiếng không thể bỏ qua khi nhắc đến chính là món nem rán thơm ngon, béo ngậy nổi tiếng với dân sành ăn ở Hà Thành.
Tạm Thương - một trong những con ngõ nổi tiếng của Hà Nội mà "thương một đời, đâu phải tạm thương". |
Tạm Thương được biết đến như một điểm nhậu bình dân, nổi tiếng nhất là món nem chua rán và rượu ngâm. |
Ở ngõ, các bà nội trợ không cần phải đi xa mà vẫn mua đủ được mặt hàng thực phẩm cho mình. Ở giữa con ngõ Tạm Thương có đình Yên Thái thờ Nguyên Phi Ỷ Lan. Theo ghi chép tại đình, nơi đây là nền cũ của cung Động Tiên, nơi ở của bà Ỷ Lan và là nơi sinh của Thái tử Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông).
Ngõ nhỏ Hà thành là thế, ngõ nhỏ nhưng lại mang đầy đủ đặc trưng mà chỉ riêng thành phố này mới có. Nơi ấy vẫn ngày ngày tồn tại, lưu giữ từng nét văn hóa nghìn năm của người dân mà chẳng thể đổi thay theo dòng chảy thời gian. Hình ảnh của những con ngõ nhỏ Hà thành sẽ mãi mãi khắc sâu trong trái tim của người Hà Nội, của những người phương xa từng một lần đặt chân đến…
Bài và ảnh: HỒNG PHÚC