A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nhiều thiết bị “thổi phồng” diệt vi rút Covid-19 hòng lừa người dùng

Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, F0 thể nhẹ được cách ly điều trị tại nhà… Lợi dụng tâm lý cần khử khuẩn đảm bảo tránh lây nhiễm chéo, nhiều sản phẩm điện tử không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng đã được “tung hô” với chức năng tiêu diệt 99,9% vi rút Covid-19 hòng lừa người tiêu dùng.

Một số sản phẩm đồ điện tử được quảng cáo sai sự thật về diệt trừ vi rút Covi-19. Ảnh: QĐ

Thiết bị nhập lậu từ Trung Quốc với tính năng “thần thánh”

Những ngày gần đây, khi mà số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn Hà Nội vượt mốc 25.000 ca F0/ngày, thì các sản phẩm liên quan đến khử khuẩn để phòng tránh lây nhiễm vi rút lại có dịp diễn ra sôi động.

Trên không gian chợ mạng như Facebook, sàn thương mại điện tử các mặt hàng như: Súng xịt khử khuẩn chuyên dụng, súng phun sương khử trùng, súng UV, máy khử trùng y tế, máy khử khuẩn cầm tay… được rao bán rầm rộ, với nhiều tính năng ưu việt thiết kế nhỏ gọn, tiện dụng, diệt khuẩn và thậm chí là diệt đến 99,9% vi-rút Covid-19!?

Theo lời quảng cáo, loại súng xịt khử khuẩn, súng phun sương khử trùng, súng tia UV với hình dạng như khẩu súng nhựa đồ chơi, trọng lượng từ 0,5 - 0,85kg, công suất trung bình từ 10-15W, bình chứa dung dịch từ 300 - 800ml, phạm vi phun gần 2 mét, sử dụng pin sạc có giá từ 200.000 đồng đến 800.000 đồng. Còn loại máy khử khuẩn cầm tay hình dạng giống một chiếc máy chiếu, có chức năng máy phun khuếch tán dung dịch khử khuẩn như làn khói mờ, trọng lượng từ 1,8 - 3kg, sử dụng bằng cách cắm trực tiếp vào nguồn điện sinh hoạt, công suất từ 1.500W, khoảng cách phun từ 3,5 mét có giá từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Cũng theo quảng cáo, các sản phẩm này còn gắn đèn tia UV ánh sáng xanh kết hợp với dung dịch khử khuẩn Cloramin B, cồn y tế khi phun ra dưới dạng sương mờ tiêu diệt được gần như 99,9% các loại vi khuẩn ảnh hưởng đến hệ hô hấp trong đó có cả vi rút Covid-19. 

Trước đó, vào tháng 8/2021, trên chợ online cũng xuất hiện các quảng cáo về một loại máy diệt khuẩn không khí với công nghệ Bio-Plasma có tên Comm Together. Sản phẩm này được cho là sử dụng công nghệ Bio-Plasma có thể loại bỏ 99,9% vi khuẩn, virus cúm… trong không khí. Thậm chí, loại máy khử khuẩn này còn được giới thiệu là có khả năng tiêu diệt đến 99,64% vi rút SARS-CoV-2 trong vòng 10 phút ở phạm vi 3m!

Về công dụng thực tế của các loại máy này chưa có một cơ quan chức năng xác thực, nhưng chúng đều có chung một đặc điểm có xuất xứ từ Trung Quốc; không có hóa đơn chứng từ; không được kiểm định cấp phép lưu hành.

Với kinh nghiệm nhiều năm của một kỹ sư điện tử, anh Thành Chung (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Các sản phẩm nói trên khi tháo ra và quan sát bên trong đều có cấu tạo khá đơn giản chỉ gồm thiết bị bơm mini tạo áp suất đẩy dung dịch dạng lỏng phun ra dưới dạng hơi sương, còn đèn UV ánh sáng xanh như quảng cáo thực chất chỉ là bóng đèn Led đơn thuần.

Trong khi đó về nguyên lý máy khử khuẩn phải hoạt động với màng lọc nano, vi rút hay vi khuẩn đi qua sẽ bị diệt hết và màng lọc phải có thời gian thay định kỳ. Để đạt được hiệu quả sử dụng, máy phải tính theo thể tích phòng sao cho phù hợp với công suất. Đồng thời, tất cả các loại máy khử khuẩn khi nhập về Việt Nam đều phải được cấp phép của Bộ Y tế mới được lưu hành. 

Người tiêu dùng tỉnh táo trước những quảng cáo sai sự thật

Liên quan đến những sản phẩm thiết bị điện tử được rao quảng cáo có công dụng ngăn ngừa hoặc diệt vi rút Covid-19, mới đây, cơ quan chức năng cũng đưa ra những khuyến cáo tới người tiêu dùng cần tỉnh táo tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua các sản phẩm này.
Qua tiến hành rà soát, đánh giá một số thông tin về sản phẩm đồ điện gia dụng như điều hòa nhiệt độ, máy lọc không khí, máy phun khử khuẩn, đèn chiếu sáng, trong đó có các sản phẩm như: Máy điều hòa không khí sử dụng công nghệ Nanoe™ X của Công ty TNHH Panasonic Việt Nam; nhóm các thiết bị, sản phẩm sử dụng công nghệ ScentAir ION của Công ty Cổ phần Appliancz Việt Nam; sản phẩm sử dụng công nghệ Airocide của Công ty Cổ phần Công nghệ và Thiết bị Việt Mỹ; máy lọc không khí Blueair Health Protect của Công ty TNHH ASH Việt Nam; quạt khử trùng Philips Disinfection Air Cleaner của Công ty TNHH Tích hợp công nghệ In Situ; máy phun khử trùng, diệt khuẩn Covid Nano của Công ty TNHH Điện tử Thái Thắng; Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương, cho biết: Các nội dung thông tin liên quan đến công dụng ngăn ngừa hoặc diệt vi rút Covid-19 của các doanh nghiệp này chủ yếu căn cứ vào các kết quả kiểm nghiệm thực hiện trong điều kiện giới hạn của phòng thí nghiệm (chất liệu, diện tích, thể tích, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí bị kiểm soát và một số điều kiện đặc biệt khác), chưa được kiểm nghiệm trong điều kiện sống thực tế.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm không liên quan đến Covid-19 nhưng được đặt tên và thông tin về chức năng liên quan đến covid-19 như CV19, diệt vi rút… Việc đưa thông tin về tác dụng ngăn ngừa, ức chế và tiêu diệt vi rút Covid-19, Sars-Cov-2 của các sản phẩm như nêu trên có dấu hiệu vi phạm quy định tại điểm a khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.

Trước những thông tin “thổi phồng” công năng của các sản phẩm gắn mác diệt trừ vi rút Covid-19, người tiêu dùng cần tỉnh táo để nhận biết về những hành vi quảng cáo sai sự thật tránh để tiền mất, tật mang.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết