Nghệ thuật nhạc trống lớn: "Báu vật" tinh thần của người Khmer ở Cà Mau
Nghệ thuật nhạc trống lớn (Plêng Skôr Thum) ra đời, tồn tại và trao truyền hơn 100 năm qua ở vùng đất Cà Mau. Người Khmer ở Cà Mau luôn tin rằng, âm nhạc chính là linh hồn của họ. Họ xem nhạc trống lớn như “báu vật” không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần cần được gìn giữ, phát huy.
Giàu bản sắc truyền thống
Không riêng tại Cà Mau, bất kể nơi nào trên vùng Nam Bộ có người Khmer sinh sống đều có quan niệm rằng, âm nhạc chính là linh hồn trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây không ngừng sáng tạo và giữ gìn kho tàng văn hóa nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng, đa sắc màu riêng biệt. Trong đó, bà con rất xem trọng chiếc trống lớn, coi đây là vật linh thiêng, “báu vật” trong đời sống tinh thần… thường được cất giữ ở các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer.
Nghệ nhân Hữu Qual, sinh hoạt trong nhóm trống lớn của chùa Cao Dân (huyện Thới Bình) cho biết, trống lớn không chỉ được người Khmer sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội trang trọng mà còn là phương tiện thông tin đến phật tử thời gian nhập hạ của các vị sư.
Trống lớn là vật linh thiêng không ai dám sử dụng một cách tùy tiện mà chỉ dùng để đánh trống báo tin cho đồng bào phật tử đến chùa hoặc đến ngày lễ… Trống lớn thường được bảo quản nơi sạch sẽ và treo cao trong ngôi sala hoặc ngôi chính điện của chùa, nghệ nhân Hữu Qual chia sẻ.
Nghệ thuật nhạc trống lớn là thể loại âm nhạc đặc biệt, với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Tùy từng bối cảnh nghi thức, nghi lễ các nghệ nhân cùng chơi những bản nhạc khác nhau. Chia sẻ thêm về nét độc đáo này, ông Thạch Nam Phương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau dẫn chứng, tùy theo từng bối cảnh nghi thức, nghi lễ các nghệ nhân cùng chơi bài có giai điệu và cung bậc cảm xúc khác nhau như: buồn bã, chậm rãi, dìu dặt trong lễ tang; giai điệu trầm hùng, vang vọng chiến thắng trong lễ hạ thủy đua ghe Ngo; giai điệu nhẹ nhàng, hạnh phúc trong lễ cưới; giai điệu thanh thoát, hướng thiện trong các lễ nghi tôn giáo…
Dàn nhạc trống lớn gồm 15 loại nhạc cụ, gồm: Skor Thom, Koông Thom, Skor Đay (2 cái), T’ruô - U, T’ruô - Khse bây (T’ruô Khmer, T’ruô Nguôk), T’ruô - sô, Chapay-chomriêng, Pay Puốc, Pay - O, Khloy, Khưm, Chhưng, Tà Khê và Krap.
Các nghệ nhân cho biết, nghệ thuật nhạc trống lớn ở Cà Mau do ông Hữu Pinh, Hữu Mốt (từ Trà Vinh xuống Cà Mau lập gia đình, sinh sống ở vùng đất Tân Lộc, thuộc huyện Thới Bình) mang theo, thể hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Đến năm 1922, các vị sư, đồng bào phật tử và người dân lân cận góp vốn xây dựng chùa Trâu Trắng (Bạch Ngưu), nhạc trống lớn ở khu vực này bắt đầu được hình thành và thường xuyên chơi tại đây. Đến năm 1958, chùa đã dời về dọc tuyến Quốc lộ 63 và được đổi thành tên chùa Cao Dân (ngày nay). Cùng với việc xây dựng chùa, nhạc trống lớn dần đi vào ổn định. Đặc biệt, ở một số huyện có đông người Khmer sinh sống, khi diễn ra lễ hội lớn tại chùa, phum, sóc hoặc nhà của người dân, bà con sẽ mời nhóm nhạc ở phum, sóc khác đến cùng phục vụ diễn tấu.
Ông Thạch Nam Phương cho biết thêm, nghệ thuật nhạc trống lớn là thể loại nghệ thuật âm nhạc đặc biệt được sử dụng trong lễ hội của đồng bào Khmer Cà Mau. Thời gian qua, dàn nhạc trống lớn của dân tộc Khmer huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) đã được phát huy giá trị thông qua trưng bày tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam, ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Chung tay bảo tồn di sản
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 2 nơi trong huyện Thới Bình đang lưu giữ và phát huy nhạc trống lớn, gồm: Khu vực chùa Rạch Giồng, chủ yếu là ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ và chùa Cao Dân, ấp 7, xã Tân Lộc, với khoảng 30 nghệ nhân tham gia.
Năm 2022, niềm vui của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau được nhân lên khi nghệ thuật nhạc trống lớn được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này không chỉ là niềm vinh dự và tự hào của đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Thới Bình nói riêng mà còn góp phần trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh tốt hơn nữa thời gian tới.
Biết tin nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Hữu Thảo, Bí thư Chi bộ ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình cho biết, ông cùng bà con trên địa bàn ấp đều không giấu nổi niềm tự hào khi giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được tôn vinh.
Ông Hữu Thảo khẳng định, nghệ thuật nhạc trống lớn từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Khmer trên địa bàn. Bởi cứ vào mỗi dịp lễ, hội đặc biệt, dàn nhạc trống lớn sẽ được biểu diễn để bà con cùng đến xem.
Trước đây, trên địa bàn ấp thành lập câu lạc bộ biểu diễn nhưng chỉ duy trì được một thời gian. Do đó, khi Nghệ thuật nhạc trống lớn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà con không chỉ vui mừng mà còn tin tưởng rằng, giá trị di sản văn hóa quý báu của đồng bào Khmer sẽ được gìn giữ, phát huy, lưu truyền tốt hơn trong thời gian tới, ông Hữu Thảo tin tưởng.
Ông Trần Minh Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết, nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khẳng định giá trị và sự đóng góp to lớn trong kho tàng văn hóa của đồng bào Khmer nói riêng, nhân dân huyện Thới Bình nói chung. Điều này góp phần thiết thực vào việc giữ gìn sự phong phú, đa dạng của kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng cho biết, dàn nhạc trống lớn có vị trí quan trọng, không thể thiếu trong đời sống cộng đồng của người Khmer tại địa phương. Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với địa phương củng cố, kiện toàn các câu lạc bộ, nhóm nhạc để bảo vệ và phát huy giá trị di sản…
Được biết, nghệ thuật nhạc trống lớn của người Khmer, huyện Thới Bình là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thứ 4 tại Cà Mau và là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên của đồng bào Khmer địa phương.