A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Kỳ 3: “Đòn bẩy” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Xác định y tế là ngành mũi nhọn, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn coi trọng đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực này nhằm từng bước nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; đồng thời phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đẩy mạnh cải tiến chất lượng các bệnh viện tuyến cuối

Với nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, ngành Y tế Thủ đô đã và đang nỗ lực tiên phong đi tắt, đón đầu trong nhiều chuyên khoa mũi nhọn, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến vào việc khám chữa bệnh.

Theo đó, các đơn vị luôn quan tâm đầu tư, ứng dụng trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ cao như: Phẫu thuật nội soi, thụ tinh trong ống nghiệm, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tim mạch can thiệp, kỹ thuật can thiệp bào thai... trong khám chữa bệnh cho nhân dân.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, Sở đã thực hiện giám sát và đánh giá thường xuyên mức độ cải tiến chất lượng các bệnh viện

Hệ thống chính sách, pháp luật y tế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được hoàn thiện. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Hà Nội được nâng cao. Ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân ngày càng tăng.

Các bệnh viện, cơ sở y tế của thành phố, cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường được đầu tư nâng cấp. Từ đó, các chỉ số sức khoẻ của người dân được nâng lên. Tuổi thọ trung bình của người dân Hà Nội đạt 75,5 tuổi, cao hơn mức chung của cả nước 1,8 tuổi, tăng 0,6 tuổi so với năm 2009.

TS.BS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết: Đẩy mạnh cải tiến chất lượng tại các đơn vị, trong suốt thời gian qua, Sở Y tế đã nâng cao năng lực chuyên môn cho toàn hệ thống thông qua đầu ngành quản lý chất lượng; mở các khóa đào tạo về quản lý bệnh viện, cải tiến chất lượng cho đội ngũ lãnh đạo và chuyên trách; hướng dẫn xây dựng và chuẩn hóa các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội thực hiện giám sát và đánh giá thường xuyên mức độ cải tiến chất lượng cho các bệnh viện, giúp tìm ra những lỗ hổng, khoảng trống, có thêm cơ hội nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh.

Kỳ 3: “Đòn bẩy” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Đơn vị lọc thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mỹ Đức với hệ thống thiết bị hiện đại

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại các đơn vị cần sớm khắc phục. Đó là cơ sở vật chất của một số bệnh viện xuống cấp, nhất là khu khám bệnh của các bệnh viện tuyến huyện.

Trình độ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn của một số cán bộ y tế còn hạn chế; tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh có lúc, có nơi còn biểu hiện chưa tốt. Ngoài ra, các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính còn gặp khó khăn để đảm bảo nguồn thu và đời sống cho nhân viên y tế ảnh hưởng đáng kể đến công tác khám, chữa bệnh.

Đầu tư phát triển hệ thống y tế cơ sở

Y tế cơ sở và y tế dự phòng có vai trò đặc biệt quan trọng nhưng lại là những đơn vị khó khăn nhất của ngành. Do đó trong thời gian tới, Nhà nước cần có các chính sách phù hợp để thu hút, duy trì cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn thường xuyên, liên tục làm việc trong lĩnh vực này.

Để phát triển hệ thống y tế cơ sở, từ năm 2019, Hà Nội đã triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình và đưa số trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình từ mức 47,8% số trạm lên mức 82,73% số trạm vào năm 2020.

Cán bộ y tế cơ sở thực hiện công tác khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh

Cán bộ y tế cơ sở thực hiện công tác khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh

Nhờ đó, mạng lưới cơ sở y tế của Thủ đô phát triển rộng khắp và công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn như thiếu bác sĩ có chất lượng phù hợp, nhất là tại trạm y tế xã; các dịch vụ chuyên sâu tại trạm y tế chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế; số lượng cơ sở hành nghề y tư nhân thực hành nguyên lý y học gia đình còn khá hạn chế…

Do đó, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình.

Đồng thời, HĐND thành phố quyết định việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được phân bổ.

Dự thảo Luật cũng nêu: HĐND thành phố Hà Nội quy định việc sử dụng kinh phí ngân sách và người bệnh chi trả để thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Đồng thời, quy định về hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực y tế thực hiện khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài, cập nhật, chuyển giao công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực y dược, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, y tế công cộng cho cơ sở y tế công lập của thành phố Hà Nội.

Dự thảo Luật được kỳ vọng là “đòn bẩy” cho những chính sách an sinh xã hội ưu việt của Hà Nội nhằm phát triển hệ thống y tế cơ sở; góp phần ngăn ngừa các loại bệnh đối với người lớn tuổi từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi trước tình trạng già hóa dân số nhanh.

Link bài gốc Copy link
 

Tác giả: Phương Thu
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết