Giáo viên nhiều môn: Vừa dạy, vừa học
Đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, các trường sư phạm và sinh viên đang tăng tốc đào tạo giáo viên dạy các môn mới. Tuy nhiên, trong khi chờ đội ngũ giáo viên mới được đào tạo bài bản từ các trường sư phạm bổ sung, thay thế thì việc đào tạo lại và sử dụng đội ngũ giáo viên hiện có là điều tất yếu.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện cả nước thiếu hơn 5.000 giáo viên nghệ thuật phục vụ cho Chương trình GDPT mới. Giải pháp tạm thời được nhiều nơi đưa ra là giảng viên vừa dạy, vừa... đi học thêm. Cô Trần Thị Thu Nga, giáo viên Trường THCS Tô Vĩnh Diện, quận Đống Đa, TP Hà Nội là một trong nhiều trường hợp như vậy. Để đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng cho Chương trình GDPT mới ở bậc THPT, cô Nga tranh thủ những ngày cuối tuần theo học chương trình liên thông tại Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Cô Nga cho biết: “Trước đây, môn Âm nhạc chỉ được giảng dạy ở cấp tiểu học và THCS. Từ năm học 2022-2023, môn học này được đưa vào giảng dạy ở khối lớp 10 bậc THPT. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giáo viên không có cách nào khác là phải vừa dạy, vừa học để bổ sung kiến thức cho mình".
Cùng với nghệ thuật, thiếu giáo viên dạy môn tích hợp cũng đang là vấn đề nan giải của các trường THCS. Thầy Đỗ Anh Tuấn là giáo viên duy nhất của Trường THCS Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội được đào tạo chuyên ngành Hóa-Sinh. Năm nay, thầy tiếp tục được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên ở lớp 7. Chương trình được nhận định là khó hơn năm trước, nên khi có lớp học bổ sung kiến thức dành cho giáo viên dạy môn tích hợp, thầy Tuấn đăng ký tham gia ngay.
Giờ học chuyên ngành của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. |
Không để giáo viên chưa được đào tạo phải “tự bơi” khiến mỗi giờ lên lớp lại lúng túng và áp lực, cô Trần Thị Minh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Đại Hưng cho hay: “Trường chưa phân công một giáo viên đảm nhận cả 3 phân môn. Khi nào thầy cô học xong, có chứng chỉ và đủ tự tin đứng trước học trò thì nhà trường sẽ phân công. Điều này chắc sẽ sớm vì thầy cô đang tích cực trong tự học, tự bồi dưỡng”.
Từ nhu cầu thực tiễn, hiện các trường đại học, cao đẳng sư phạm đang tích cực, chủ động cập nhật chương trình đào tạo, còn các sinh viên có thêm động lực với những cơ hội rộng mở trước mắt.
Chưa ra trường nhưng những thông tin về cơ hội việc làm khiến những sinh viên năm thứ hai Khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cảm thấy hứng khởi, tích cực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng hơn. Từng băn khoăn khi chọn ngành sư phạm nhưng nay biết có thể xin được việc ngay sau khi tốt nghiệp khiến sinh viên Đặng Thị Thu cảm thấy rất may mắn khi quyết định học ngành này. Thu chia sẻ: “Đây là cơ hội tốt với chúng em vì các trường THPT đều đang rất cần giáo viên môn Âm nhạc. Trong quá trình học, chúng em đã được cập nhật những kiến thức mới, trang bị các kỹ năng, có thể đáp ứng yêu cầu của các trường phổ thông”.
Theo kịp yêu cầu mới, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng phát triển năng lực nghệ thuật kết hợp với các năng lực cơ bản khác. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Phụ trách Khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho biết: “Rất nhiều sinh viên xác định rõ học để sau này giảng dạy ở các trường THCS, THPT nên tôi nghĩ chỉ vài năm nữa sẽ đáp ứng được nhu cầu thực tế. Có nhiều trường, các giáo viên văn hóa bị điều chuyển sang dạy Mỹ thuật. Họ đã đến với chúng tôi để nâng chuẩn kiến thức hoặc học liên thông chính quy”.
Đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ giáo viên lĩnh vực này, các trường sư phạm cũng tăng tốc đào tạo. Thay vì 400 chỉ tiêu cho cả hai ngành sư phạm Mỹ thuật và Âm nhạc như những năm trước, năm nay, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã tăng chỉ tiêu lên 900. PGS, TS Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: “Đào tạo giáo viên không thể “ồ ạt” được ngay, cần căn cứ vào năng lực cơ sở vật chất của trường. Khối lượng sinh viên của trường tốt nghiêp chỉ đáp ứng được phần nào so với nhu cầu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật trên toàn quốc”.
Dù nỗ lực bằng nhiều giải pháp khác nhau nhưng việc thiếu giáo viên các bộ môn đặc thù khó có thể khắc phục trong một sớm một chiều. Theo chia sẻ của PGS Nguyễn Chí Thành, Trưởng khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), đáp ứng cho Chương trình GDPT mới, trường đang hợp tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên các trường THCS và đào tạo theo đặt hàng của các tỉnh.
Dạy học chương trình mới không chỉ là thách thức mà còn là thời cơ thay đổi của giáo viên. Khi họ có tâm thế chủ động, ý thức được nguy cơ tụt hậu, để vượt qua lối mòn của phương pháp cũ, chấp nhận thay đổi nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn thì việc thực hiện Chương trình GDPT mới sẽ mang lại kết quả.
Bài và ảnh: THU HÀ