A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Nâng cao chất lượng đào tạo ngành thiết kế nội thất

Ngành thiết kế nội thất (TKNT) là công việc chuyên nghiệp nhằm tạo ra môi trường nội thất đáp ứng nhu cầu sử dụng và thẩm mỹ của con người. Để làm rõ chất lượng đào tạo trong ngành TKNT hiện nay, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã phỏng vấn Thạc sĩ Lưu Việt Thắng, Trưởng khoa Trang trí nội-ngoại thất, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp.

 Thạc sĩ Lưu Việt Thắng. Ảnh: TRẦN PHƯƠNG

Phóng viên (PV): Thưa ông, ngành học thiết kế nội thất hiện nay có gì đáng chú ý?

Thạc sĩ Lưu Việt Thắng: Hiện nay, thiết kế nội thất được coi là một ngành nghề khá “hot”, do những nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế-xã hội và đời sống con người, nhất là đối với không gian sống, làm việc. Vì vậy, ngành TKNT đang “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện ngành đào tạo TKNT rất chú trọng đến AI (trí tuệ nhân tạo), đây là xu hướng tiện ích trong thiết kế, có những tác động rõ rệt với việc dạy và học. Dù còn nhiều tranh cãi về việc ứng dụng các phần mềm AI trong thiết kế và lo ngại về một tương lai có thể “bị AI thay thế”, nhưng các công nghệ mới hỗ trợ việc thiết kế, mô phỏng và tạo ra những giải pháp sáng tạo, mang lại điều kiện học tập tối ưu; đồng thời giúp sinh viên có cơ hội phát triển năng lực của bản thân, thích ứng với sự biến động của thị trường lao động thời nay.

Tuy nhiên, nếu dựa quá nhiều vào AI sẽ hạn chế sự sáng tạo, kiến thức nền của người làm TKNT. Việc duy trì sự sáng tạo, học tập liên tục và làm việc chuyên nghiệp rất quan trọng đối với giảng viên lẫn học sinh trong ngành TKNT. Trước khi tìm đến AI, sinh viên phải có đủ năng lực lẫn các kiến thức cơ bản chuyên môn. Nếu không đủ kiến thức để sử dụng, AI chỉ là “bánh vẽ” cho sinh viên. Nếu sinh viên chỉ vẽ tranh mà không có năng lực thực tiễn, khi bức tranh đó ra thực tế sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy trong thi công, sản xuất sản phẩm... 

 

Buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp năm 2023 của sinh viên ngành thiết kế nội thất, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ảnh do nhà trường cung cấp

PV: Sinh viên cần đáp ứng những yếu tố nào để theo kịp tiến độ chương trình học ngành TKNT?

Thạc sĩ Lưu Việt Thắng: Sinh viên hiện nay cần tập trung vào các môn cơ sở trước khi bắt tay vào thực hiện đồ án thiết kế, đây chính là tiền đề tốt nhất để xây dựng đồ án. Tiếp đến là các tiêu chí về khả năng phát triển ý tưởng thiết kế, phương pháp thể hiện và khả năng thuyết trình. Để làm được điều đó, sinh viên cần tích cực, chủ động trong học tập, tận dụng những cơ hội trải nghiệm thực tế trong tổ chức chuyên môn cũng như kết nối với các doanh nghiệp trong ngành.

Đây là mối liên kết bảo đảm nâng cao năng lực và đưa ra sản phẩm đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển không ngừng của ngành công nghiệp nội thất. Hiện nay, sinh viên ngành TKNT có cơ hội tham gia nhiều hoạt động kết nối, trau dồi kiến thức, năng lực như: ISA, cuộc thi dành cho bài tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên ngành TKNT toàn quốc; Kitchen Insight, cuộc thi thiết kế bếp; Cuộc thi nhà thiết kế trẻ châu Á; Cuộc thi thiết kế ASDA cấp châu Á-Thái Bình Dương...

PV: Hoạt động đào tạo chuyên ngành TKNT hiện nay còn những khó khăn gì, thưa ông?

Thạc sĩ Lưu Việt Thắng: Khó khăn đầu tiên trong hoạt động đào tạo ngành TKNT là cơ sở vật chất, xưởng nghiên cứu thực hành của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tập, thực hành của người học. Ngành TKNT đòi hỏi có thời lượng thực hành, thực tập lớn. Ở hầu hết trường đào tạo ngành nội thất trên thế giới, họ đều có xưởng thực hành dành cho sinh viên rất hiệu quả.

Khó khăn nữa là việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ở Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, trong vòng từ 2 đến 5 năm, chúng tôi phải xem lại quy trình để đổi mới, bổ sung nội dung phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, chương trình đào tạo là 5 năm nhưng các môn phụ quá nhiều, trong khi thời gian triển khai đồ án chuyên ngành lại dày đặc khiến sinh viên cảm thấy rất vất vả. Vì vậy, chúng tôi đang tìm cách giảm các môn học phụ không cần thiết, nhấn mạnh vào đào tạo tư duy, cách nghĩ, để về sau sinh viên học ở một không gian cũng có thể làm ra nhiều không gian khác nhau.

PV: Ông có điều gì nhắn nhủ tới các sinh viên sắp ra trường, cũng như các em học sinh đang quan tâm tới ngành TKNT?

Thạc sĩ Lưu Việt Thắng: Học sinh cần tự tin và chủ động chọn môi trường đào tạo theo sở thích của mình. Những ai đang muốn theo ngành TKNT cần biết đến với ngành này sẽ gặp khó khăn gì, có năng khiếu gì để vào ngành. Các bạn sinh viên cần cập nhật, ứng dụng các thành tựu của khoa học-công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc; đồng thời chủ động tham gia các dự án và hoạt động thực tiễn, phát triển năng lực tự học để có khả năng ứng phó với sự biến động trong nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

Trên cương vị người làm công tác đào tạo và làm nghề, tôi rất kỳ vọng các bạn sinh viên sẽ góp phần viết nên câu chuyện về nội thất Việt, giá trị của nội thất Việt. Điều này có thể là yếu tố cốt lõi giúp ngành nội thất Việt Nam khẳng định bản sắc văn hóa trong không gian nội thất dân tộc. Một ngày không xa, câu chuyện sáng tạo và thực tiễn sẽ góp phần định vị nội thất Việt Nam trên bản đồ nội thất thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết