Du học sinh Việt nỗ lực học tập ở xứ sở kim chi
Rời xa gia đình, quê hương để tìm kiếm tri thức ở một đất nước giàu có, hiện đại hơn, cuộc sống của những du học sinh Việt Nam trên đất nước Hàn Quốc không chỉ toàn màu hồng. Họ cũng phải bươn chải và nỗ lực, thậm chí còn phải đối mặt với những khó khăn mà sinh viên trong nước không vướng bận.
Làm để học
Vấn đề muôn thuở của du học sinh Việt khi đến Hàn Quốc là rào cản ngôn ngữ. Không phải học sinh, sinh viên nào sang xứ sở kim chi cũng có trình độ ngôn ngữ để học và giao tiếp tốt với người dân bản địa.
Dù trình độ có đạt mức tiêu chuẩn vào học đại học nhưng theo thầy giáo Kim Se Il, Trưởng phòng Giáo dục xã hội, Trường Đại học Chung Ang (Seoul): "Kinh nghiệm cho thấy, dù có cùng điểm số trong kỳ thi năng lực tiếng Hàn (TOPIK), nhưng những học viên học tiếng tại trường vẫn có kinh nghiệm sử dụng tiếng Hàn tốt hơn những bạn học tiếng từ nhà”. Có thể thấy, đây là điều bình thường với người học bất cứ một ngôn ngữ nào. Sử dụng tại quê hương của mình, ngôn ngữ có điều kiện phát triển phong phú và chuẩn mực hơn.
Nguyễn Văn Kiệt và Đỗ Kim Yến, sinh viên Trường Đại học Dong-A, trong khuôn viên của nhà trường. |
Ngoài học tại các trung tâm dạy tiếng Hàn, cách học tiếng hiệu quả nhất được nhiều du học sinh rỉ tai nhau là đi làm thêm. Cách này không những giúp cải thiện khả năng sử dụng tiếng bản địa mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Tại Trường Đại học Dong-A (Busan), người Việt Nam đầu tiên chúng tôi gặp là Nguyễn Văn Kiệt, sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản trị kinh doanh, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Sinh viên Việt Nam của trường. Dẫn chúng tôi đi dưới những hàng phong đỏ và ngân hạnh vàng rực trong trường, Kiệt tự tin giới thiệu về ngôi trường của mình. Em cũng là thông dịch cho các cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với giáo viên trong trường. Kiệt được thầy cô, bạn bè khen ngợi vì học giỏi, năng động. Nhưng để có được kết quả đó, Kiệt từng trải qua thời gian khó khăn vì rào cản ngôn ngữ. Sau hơn hai tháng học tiếng tại trường, Kiệt quyết định đi làm để tiếp cận nhiều hơn với người bản địa, cải thiện giao tiếp và cũng để thích ứng với cuộc sống ở xứ người. Tiếng không thông thạo, Kiệt chỉ có thể chọn đi làm nông, hái táo hoặc nhổ tỏi...
Làm được một hôm vào ngày trời lạnh âm độ, không chịu nổi, Kiệt đành bỏ, cả ngày vất vả mà tiền công cũng chỉ đủ chi phí tàu xe. Công việc thứ hai là làm cá trong chợ, Kiệt cũng chỉ trụ được hai ngày vì không chịu nổi mùi tanh.
Từ những "kinh nghiệm xương máu” này, Kiệt nhận ra chỉ có chú tâm vào học tiếng Hàn thật tốt thì mới có thể tìm kiếm được công việc đỡ vất vả. Khi vốn tiếng Hàn khá hơn, Kiệt được nhận vào làm trong nhà hàng. Thời gian đầu, sự khác biệt giữa ngôn ngữ trên lớp với cuộc sống khiến nhiều lần Kiệt phải nhờ đến sự hỗ trợ của những đàn anh, đàn chị đi trước. Giờ đây, nhờ học giỏi, Kiệt còn làm thêm cả ở văn phòng của trường, thông dịch khi thầy cô tiếp đoàn Việt Nam sang làm việc hoặc dịch các thông báo cho sinh viên mới, hỗ trợ thầy cô trong quản lý sinh viên Việt Nam ở trường, hỗ trợ những bạn chẳng may ốm đau...
Nguyễn Văn Kiệt cho biết, chính đòn bẩy ngôn ngữ đã giúp em tự tin hơn trong cuộc sống và học tập để em có những thay đổi tích cực. Vì thế, Kiệt cùng các bạn hiện nay sẵn sàng hỗ trợ hết mình cho những học viên Việt Nam mới sang, giúp các em hòa nhập nhanh nhất với cuộc sống và việc học trên đất nước bạn.
Học để làm
Làm để học tiếng là bước đầu nhằm thích nghi với cuộc sống và phong cách học tập của nước bạn. Mục tiêu chính để hầu hết sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Hàn Quốc là tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn. Nhiều công ty, tập đoàn của Hàn Quốc đã mở cơ sở và có liên kết với Việt Nam, nhu cầu việc làm cũng cao nên có khá nhiều sinh viên Việt Nam theo học các ngành này. Nước bạn có nhiều lợi thế về công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, truyền thông, kinh tế và văn hóa nên cơ hội tiếp cận những kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến của sinh viên cũng rộng mở.
Sinh viên Thiều Nguyễn Khánh Linh, học năm thứ 2 Khoa Văn hóa và Sáng tạo nội dung, Trường Đại học Ajou (Suwon, tỉnh Gyeonggi), chia sẻ: "Em thích Hallyu (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) và biết đến trường qua một hot youtuber (người sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội YouTube) nên em lựa chọn ngành học này với mong muốn phát huy tốt những gì đã học khi đi làm".
Ngoài ra, Tạ Thị Luyến, sinh viên năm thứ 3, Khoa Giáo dục tiếng Hàn của Trường Đại học Keimyung tại Daegu, đồng thời học năm thứ 2 Khoa Kinh doanh, Chủ tịch Chi hội Sinh viên Việt Nam, Hội trưởng Hội Sinh viên quốc tế của trường, cho biết: "Hàn Quốc là đất nước nổi tiếng hiếu học. Ở trường em, các bạn sinh viên Hàn Quốc cũng rất thông minh, họ còn là những sinh viên chăm chỉ. Là sinh viên nước ngoài, bản thân tiếng Hàn đã không bằng các bạn nên chúng em càng phải cố gắng chăm chỉ hơn. Có thể nói, môi trường học tập tại đây giúp chúng em mở mang được nhiều điều".
Là giảng viên Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội), khi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành địa chính tại Trường Đại học thành phố Seoul, Bùi Ngọc An có lợi thế vì có học bổng 100% nên không phải lo lắng nhiều cho vấn đề tài chính, chi tiêu. Vì thế, An dành nhiều thời gian rảnh để tìm hiểu, học hỏi về cuộc sống, văn hóa của người Hàn Quốc bằng những chuyến du lịch trải nghiệm.
An cho biết: “Chỉ có bằng trải nghiệm thực tế, nâng cao vốn sống, làm phong phú tâm hồn mới là cách học thiết thực nhất. Trường Đại học thành phố Seoul là một ngôi trường tốt của Hàn Quốc, vì thế em được tiếp cận với khá nhiều kiến thức chuyên ngành hữu ích. Ngoài ra, khi học, chúng em phải làm thuyết trình liên tục nên ngôn ngữ và các kỹ năng mềm cũng được cải thiện đáng kể”.
Bài và ảnh: MINH NHÃ