A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Cảnh báo trào lưu học sinh thích bạo lực, "sống ảo" trên mạng xã hội

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhiều học sinh đã xảy ra xô xát và quay lại video đăng lên mạng xã hội để "sống ảo".

Báo động học sinh "sống ảo" trên mạng xã hội

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền clip một em học sinh bị bắt quỳ trong lớp trước sự chứng kiến của nhiều bạn học đứng xem.

Cụ thể, nội dung clip dài 2 phút 33 giây ghi lại cảnh một em học sinh bị một em khác tát, túm tóc, lôi kéo, bắt quỳ... trước sự chứng kiến của nhiều em học sinh khác. Điều đáng nói là không có học sinh nào vào can ngăn, mặc cho bạn bị đánh van xin.

Ngay khi clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra bất bình, bức xúc với tình trạng trên, mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc, làm rõ. Liên quan đến vụ việc trên, lãnh đạo xã Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cho biết, sự việc xảy ra vào khoảng 8h30 sáng 29/5, tại Trường tiểu học Hiền Quan.

Hai học sinh có mâu thuẫn là em Đ.T.K.T. (học lớp 5) là người bị đánh, còn học sinh có hành vi đánh bạn tên V.K.O. (học lớp 7). Người quay clip là một học sinh khác lớp 5. Ngay sau khi nắm bắt thông tin vụ việc, Công an xã Hiền Quan và Công an huyện Tam Nông đã vào cuộc để điều tra.

Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân dẫn đến sự việc là do cháu T. đã chê O. không biết cách dùng son môi, nên bị O. xuống lớp đánh.

Cảnh báo trào lưu học sinh thích bạo lực,
Hình ảnh bạo lực học đường được đăng tải trên mạng xã hội để câu like

Quá trình xác minh cho thấy, em T. và em O. là chị em, có quan hệ họ hàng. Sau khi sự việc xảy ra, cả 2 bên gia đình đều muốn giải quyết tình cảm. Sau đó, chính quyền địa phương đã xuống thăm hỏi, động viên học sinh bị bạn đánh.

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc bạo lực học đường đã xảy ra trong thời gian ngắn vừa qua. Điều đáng nói, những hành vi sai trái ấy lại được chính các em quay chụp lại rồi đăng tải trên mạng xã hội, như một chiến tích để thể hiện mình.

Đặc biệt, đây là thời điểm cuối năm học và bước vào kỳ thi chuyển cấp của các em học sinh, nên đã có tác động tiêu cực trên môi trường giáo . Bởi vậy, điều này đã đặt ra bài toán nan giải cho các cơ quan quản lý nhà nước, nhà trường và các bậc phụ huynh, trong việc ngăn chặn bạo lực học đường.

Các “nhân vật chính” đều bị ảnh hưởng tâm lý

Các chuyên gia tâm lý giáo dục cho rằng, trẻ tiểu học hiếu động, học sinh trung học cơ sở muốn định hình phong cách, các em trung học phổ thông thì khao khát khẳng định mình, vì thế việc chấm dứt hoàn toàn xô xát trong trường học là không thể. Càng như vậy, việc tổng hòa các giải pháp để ngăn chặn bạo lực học đường cần được các cấp ngành, nhà trường và phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Ba Đình, Hà Nội) nhận định, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường về phía học sinh là do đang ở tuổi thay đổi cả về tâm sinh lý. Theo đó, các em có nhận thức không ổn định, bị xáo động bởi nhiều tác động từ môi trường xung quanh. Và nếu người lớn không định hướng, giúp các em chủ được cảm xúc và làm chủ được suy nghĩ đúng đắn, thì sẽ phát sinh các vấn đề trong đó có bạo lực.

Theo các chuyên gia tâm lý, vấn đề bạo lực học đường phải được xử lý từ gốc rễ, chứ không phải đến khi xảy ra mới tìm cách giải quyết hậu quả. Câu chuyện bạo lực học đường nếu kéo dài sẽ ngày càng phức tạp hơn và gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn.

“Khi xảy ra sự việc, chúng ta mới đi tìm kiếm đâu là nguyên nhân, đâu là trách nhiệm. Điều này là cần thiết, nhưng cần thiết hơn cả giải quyết triệt để vấn đề đối với những đối tượng gây ra bạo lực và những đối tượng đang chịu bạo lực”, TS. Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng nhận định, bạo lực học đường có thể gây tổn thương tâm lý cho cả người có hành vi bắt nạt và người bị bắt nạt. Nếu bị ảnh hưởng kéo dài, sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường là những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Chúng ta có thể thấy, đã có rất nhiều vụ việc có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nguyên nhân bắt nguồn từ vấn đề bạo lực học đường. Có những trường hợp, các em học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường đã có những suy nghĩ tiêu cực, rồi có tâm lý chán trường và dẫn đến hành động tự tử.

Ở chiều ngược lại, những em có hành vi bạo lực học đường dần hình thành tính cách ngỗ ngược, bất chấp quy định pháp luật, thậm chí thể hiện là "đàn anh", "đàn chị" và kéo theo đó là có những hành vi sai trái. Đó là điểm hết sức nguy hiểm.

Hầu hết các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, về phía gia đình và nhà trường cần phải có biện pháp để truyền đạt, tạo điều kiện cho học sinh tự phát triển theo đúng những nguyện vọng, ước mơ của mình. Trên thực tế, gia đình và nhà trường đôi khi đã áp đặt lên sự phát triển của các em. Điều này dễ dẫn đến tác dụng ngược và hệ lụy là dẫn đến những hành vi không đúng chuẩn mực của các em.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần có thêm giải pháp răn đe đối với hành động bạo lực học đường. Theo đó, cần phải có những cơ chế xử lý hành động bạo lực học đường, có biện pháp răn đe để học sinh nhận thức được hành vi và phải chịu trách nhiệm về những hành vi của mình.

“Bên cạnh giáo dục, phải có hình thức để chính trẻ em phải chịu trách nhiệm và gia đình cũng phải chịu trách nhiệm. Học sinh có hành vi bạo lực có thể phải lao động công ích, phải có thời gian để suy nghĩ về tác hại của việc mình làm…”, TS. Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.

Cùng với những giải pháp tổng hòa trên, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ các nội dung xấu, độc lại, không phù hợp thuần phong mỹ tục,... trước khi đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội. Để từ đó, các em học sinh không còn lối tư duy lệch lạc, thích câu like sống "ảo" và thể hiện bản thân trên mạng xã hội.

 

Tác giả: Hà Cường
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết