A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Du Xuân cùng du lịch vùng cao

Năm 2022 là mốc 5 năm tỉnh Gia Lai thực hiện Chương trình 43-Ctr/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nhiều làng du lịch cộng đồng được đầu tư phát triển. Ảnh: P.V

Gia Lai là vùng đất có nhiều lợi thế tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, lịch sử.

Để nâng tầm du lịch, tỉnh đã chú trọng tổ chức các sự kiện xây dựng hình ảnh điểm đến Gia Lai với một số điểm nhấn có quy mô lớn; các địa phương đã duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động du lịch và quảng bá các sự kiện văn hóa tạo sức hút lớn đối với du khách.

Một sự kiện khá hấp dẫn là Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Gia Lai tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, với sự tham gia của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên đã khuấy động không khí vui tươi, truyền cảm của đồng bào các dân tộc anh em.

Các hoạt động chính Festival Cồng chiêng gồm: Lễ hội đường phố, phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ, đan lát, dệt thổ cẩm; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc Việt Nam; triển lãm ảnh cồng chiêng... 

Bên cạnh đó, còn là dịp để công bố tour du lịch cộng đồng và tổ chức đoàn famtrip các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên toàn quốc khảo sát tại Gia Lai; tổ chức ẩm thực và cà phê đường phố; hội chợ làng nghề tiểu, thủ công nghiệp; lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya...

TP Pleiku là trung tâm chính trị - văn hoá của Gia Lai, ngoài các danh lam thắng cảnh nổi tiếng còn chú trọng xây dựng và phát triển nhiều sản phẩm du lịch độc đáo; trong đó, ẩm thực là sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn riêng biệt của phố núi, như: Cơm lam gà nướng, rượu ghè, thịt gà xông khói, thịt bò một nắng; những loại gia vị gồm muối ớt, muối cỏ, muối kiến vàng…

Đặc biệt, đến Pleiku, du khách phải thưởng thức phở khô (hay còn gọi phở hai tô), đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập theo bộ chỉ tiêu xác lập giá trị ẩm thực châu Á; trở thành 1 trong 10 món ăn đặc sản nổi tiếng tại Việt Nam.

 Festival Cồng chiêng Tây Nguyên được tỉnh Gia Lai tổ chức 2 năm/1 lần. Ảnh: P.V

Tuần lễ Văn hóa ẩm thực cũng được tổ chức thường niên với sự tham gia của vài chục gian hàng đến từ các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh với những món ăn lạ và thú vị như: Gỏi đu đủ, gỏi ba khía, lẩu ly, kem khói, các món ốc chế biến kiểu Thái; một số loại bánh dân gian như: Bánh bèo, nậm, tai vạc, bánh lọc trần, bánh lọc gói lá chuối kiểu Huế...

Các cơ sở kinh doanh ăn uống đã kết hợp giới thiệu ẩm thực với các hoạt động trải nghiệm văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên như: Đánh cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách khi thưởng thức ẩm thực.

Gia Lai còn chú trọng phục dựng nhiều lễ nghi của đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình, mới đây là lễ cúng bến nước của người Bahnar tại làng Bi Gia (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa).

Với quan niệm, nước là mạch nguồn xuyên suốt của sự sống có sự gắn bó bền chặt, vì vậy, lễ cúng bến nước là nghi lễ quan trọng được duy trì vào tháng 7 Âm lịch hằng năm, nhằm tạ ơn thần linh đã cho dân làng dồi dào sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc.

Những phát hiện về khảo cổ học ở thung lũng An Khê vừa qua đã bổ sung điểm nhấn vào bản đồ Sơ kỳ Đá cũ của thế giới và con đường hình thành văn hóa đầu tiên của nhân loại. Đây là thành tựu trong quá trình hợp tác nghiên cứu của nhà khoa học Nga, góp phần đưa An Khê vào bản đồ Đá cũ của thế giới, đóng góp cho nghiên cứu lịch sử nhân loại như cái nôi cổ xưa nhất của loài người.

Các nhà khoa học cho rằng, cần hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp Rộc Tưng - Gò Đá trở thành di tích quốc gia đặc biệt, tiếp tục đề nghị công nhận là di sản thế giới, biến nơi này thành điểm du lịch khảo cổ hấp dẫn bậc nhất.

 Đồng bào các dân tộc Gia Lai chú trọng duy trì nét văn hoá đặc trưng. Ảnh: P.V

Tỉnh uỷ Gia Lai cũng đã tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Chương trình 43-CTr/TU của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch. Trong đó, Gia Lai đã hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Đề án Bổ sung Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya vào danh mục các điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia; triển khai các thủ tục lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử Tây Sơn -  Thượng đạo.

Tổng số vốn đầu tư hạ tầng du lịch hơn 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác nhanh và khả năng kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm; chủ yếu đầu tư đường giao thông vào các điểm du lịch và chống sạt lở, gồm: Khu lâm viên Biển Hồ; Di tích Sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng; Khu Di tích căn cứ địa cách mạng khu 10; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh...

Các hoạt động quảng bá tiềm năng, nét độc đáo về con người, lịch sử, văn hóa của Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước được đẩy mạnh.Triển khai có hiệu quả về liên kết với các tỉnh, TP trong nước thông qua các chương trình hợp tác phát triển du lịch, kích cầu du lịch.

Gia Lai cũng đã phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhờ vậy, tốc độ phát triển ngành Du lịch có sự chuyển biến rõ nét, doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh và ổn định qua từng năm. Giai đoạn 2017 - 2019, du lịch có sự tăng trưởng nhanh, tổng lượt khách tăng bình quân 27,8%/năm; tổng thu du lịch tăng 22,6%/năm. Riêng năm 2019, tổng lượt khách đạt 845.000 lượt; tổng doanh thu du lịch đạt 510 tỷ đồng. Trong năm 2020 và 2021, hoạt động du lịch sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Và năm 2022, đã có nhiều chuyển biến tích cực trở lại.

Để du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, Gia Lai cần nhấn mạnh đến sự liên kết của các địa phương trong và ngoài tỉnh, quảng bá, xúc tiến du lịch cùng với sự vào cuộc của doanh nghiệp và doanh nhân; bố trí nguồn lực hợp lý cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng, dân ca truyền thống...

Bước vào năm 2023, du lịch vùng cao Gia Lai hứa hẹn có thêm nhiều khởi sắc hơn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết