A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bệnh dại - chớ coi thường

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 60.000 người tử vong vì bệnh dại và gần 30 triệu người bị phơi nhiễm với bệnh này.

Còn tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-100 người tử vong do bệnh dại và khoảng 500.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân, mà về kinh tế việc điều trị dự phòng bệnh dại cũng gây thiệt hại khoảng 700 tỷ đồng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội vừa thông tin, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm một ca tử vong do bệnh dại là một người đàn ông 50 tuổi (ở thôn Yên Nội, xã Vạn Yên, huyện Mê Linh). Trước đó, trong vòng hai tháng nay, người này có tham gia giết mổ chó cùng một số người họ hàng trong thôn. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hai ca tử vong do bệnh dại. Phó giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hằng năm, thành phố vẫn ghi nhận những trường hợp tử vong đáng tiếc do bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vaccine sau khi bị chó cắn.

Bộ Y tế nêu rõ bệnh dại hiện vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao. Đáng lưu ý, thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng giảm ở các tỉnh nguy cơ cao, nhưng lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người. Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vaccine phòng bệnh dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình "tàn phá".

Cán bộ thú y tiêm phòng bệnh dại cho chó. 

Theo chia sẻ của bác sĩ Ngô Đức Hùng (Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) thì cho đến thời điểm hiện tại, cách duy nhất để đối phó với bệnh dại là tiêm vaccine phòng bệnh dại cho người bị cắn, còn khi đã phát bệnh rồi thì không có thuốc nào chữa được. “Các bạn nuôi thú cưng cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng bằng cách tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi của mình. Hơn hết, rọ mõm cho chó khi ra đường. Còn các bạn đã bị chó, mèo hay bất kể con vật nào có thể mang virus dại cắn, cần xem xét đi tư vấn tiêm phòng dại để tránh những cái chết thương tâm”, bác sĩ Ngô Đức Hùng khuyến cáo.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 10 năm qua, mặc dù đã đạt được một số tiến bộ nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận từ 70 đến 100 trường hợp tử vong do bệnh dại mỗi năm. Thống kê cho đến hết 8 tháng năm 2022, Việt Nam ghi nhận 40 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong trên người chủ yếu là do bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo. Cụ thể, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉ lệ tiêm vaccine phòng bệnh dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong hai năm liên tiếp. Do đó, Bộ Y tế nhận định nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại các khu vực tiêm phòng trên vật nuôi thấp và lây lan sang các khu vực khác là rất lớn. Vì vậy, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở y tế tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn.

QUANG MINH                        


Tags: bệnh dại
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết