A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bền bỉ chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật

Trong công tác cứu trợ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật trên địa bàn Thủ đô, không thể không kể đến những tấm gương điển hình, bền bỉ hướng dẫn, rèn kỹ năng, dạy nghề, giúp các em nhỏ khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

khen-thuong-cac-guong-dien-.jpg

Hành trình của sự kiên nhẫn, yêu thương

23 năm đồng hành trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ, down, viêm màng não, động kinh…, các cán bộ, nhà giáo, nhân viên Trung tâm Hy vọng (phố Kim Mã, quận Ba Đình) đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để duy trì hoạt động. Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Hồng Vân cho biết, trong số hơn 500 em nhỏ đã và đang học tập, chăm sóc, rèn kỹ năng tại Trung tâm Hy vọng 23 năm qua, nhiều em khi mới đến với Trung tâm thường khóc cười vô cớ, đập phá vô thức chỉ vì thích nghe một tiếng động nào đó.

Các em thường mặc định một hành vi, một cử chỉ, một con đường, một kiểu tóc... "Đây không chỉ là một hành trình dạy học, mà còn là hành trình của sự kiên nhẫn, yêu thương và cống hiến. Vì vậy, giáo viên không chỉ phải hiểu, mà còn phải tìm hiểu kỹ cả hoàn cảnh gia đình trẻ, từ đó tìm ra giải pháp sư phạm thích hợp. Nói cách khác, giữa giáo viên và gia đình luôn phải có sự hợp tác chặt chẽ. Mọi giải pháp giáo dục của giáo viên đều nhằm tạo môi trường thân thiện, giúp các em hình thành tình yêu đối với lớp học, với môi trường xung quanh”, bà Nguyễn Hồng Vân chia sẻ.

Điều đáng quý là trên địa bàn Thủ đô, có không ít những đơn vị như Trung tâm Hy vọng, với đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên yêu nghề, luôn dành tình thương, sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với gia đình trẻ khuyết tật trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Điển hình như nhà giáo Nguyễn Thị Côi, nay đã 83 tuổi, vẫn miệt mài gắn bó công tác giáo dục, chăm sóc, dạy dỗ cho trẻ em ở Lớp học Tình thương phường Tân Mai (quận Hoàng Mai), trong đó, ngoài trẻ lang thang đường phố còn có trẻ tự kỷ, trẻ thiểu năng trí tuệ. Hay như các cô giáo Nguyễn Thị Xòe, Nguyễn Thị Cánh - những giáo viên giáo dục đặc biệt, gắn bó nhiều năm với trẻ em bị nhiễm chất độc da cam sống trong Làng Hòa Bình (quận Thanh Xuân), trực tiếp trợ giúp trẻ, nhất là các em bị khiếm khuyết về trí tuệ và tâm thần, tạo cho các em có được niềm tin vào bản thân, biết tự lập để rèn luyện trở thành những người có ích cho xã hội…

Trao yêu thương, đón quả ngọt

Trực tiếp tham gia công tác cứu trợ trẻ em khuyết tật trên địa bàn Thủ đô nhiều năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội Bùi Văn Tuấn “thuộc nằm lòng” những cái tên, những địa chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật hiệu quả. Ông Bùi Văn Tuấn chia sẻ: “Thường xuyên đến thăm, tặng quà, kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại các trung tâm, các trường dạy trẻ em khuyết tật và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn như Trung tâm Hy Vọng, Trung tâm Phúc Tuệ, Trung tâm Phương Liệt, Trường Nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tàn tật Sóc Sơn; Trường chuyên biệt Bình Minh (huyện Đông Anh), Trường Dạy trẻ khuyết tật Thanh Trì, Trường Phổ thông Hy Vọng (quận Long Biên), Trường Dạy trẻ câm điếc Hà Nội (thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố)…, tôi thực sự cảm động với sự nỗ lực và lòng nhiệt tình của đội ngũ giáo viên nhà trường. Họ đã và đang từng ngày đổi mới hoạt động, vượt qua mọi khó khăn, tạo dựng môi trường an toàn và hữu ích cho trẻ khuyết tật được học tập, rèn luyện, trưởng thành”.

Góp phần hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật, không thể không kể đến các tổ chức, cá nhân tham gia tài trợ, đồng hành cùng Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội. Bà Phan Hằng Hoa (Tổ chức Rồng xanh quốc tế, Australia) chia sẻ: Những năm gần đây, thông qua Dự án “Bước tiến” do Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Rồng xanh quốc tế, Australia tài trợ, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật thành phố Hà Nội là chủ dự án, chúng tôi đã tập trung đầu tư cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt sinh sống trên địa bàn 5 quận, huyện là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì, nhằm tăng cường hoạt động giáo dục, hướng nghiệp và xã hội, giúp trẻ em khuyết tật nâng cao kỹ năng sống, khả năng sống độc lập. Đồng thời, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đi học văn hóa, học nghề, đi làm và tham gia các dịch vụ xã hội phù hợp để phát triển bản thân. Điều đáng mừng là năm vừa qua, chúng tôi đã có những “quả ngọt” rất đặc biệt, như trường hợp em Nguyễn Hồng Nhung (quận Hoàn Kiếm), được nhận học bổng toàn phần của Trường Đại học Anh quốc Việt Nam (BUV) ngành Marketing; hay em Giang Văn Tân (quận Long Biên), bị khuyết tật vận động, được nhận 100% học bổng Chắp cánh ước mơ của Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne của Australia (RMIT)…

Hành trình trưởng thành của các em nhỏ khuyết tật luôn có dấu ấn của những cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ chuyên biệt. Từng ngày, họ vẫn bền bỉ thực hiện hành trình trao yêu thương cho các con với niềm tin, hy vọng, rằng các em sẽ ngày một khôn lớn, biết tự chăm sóc bản thân, biết yêu thương và chia sẻ, hướng tới tương lai tươi sáng.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết