A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Bé 14 tháng tuổi ở Hà Nội nguy kịch vì mắc tay chân miệng

Ngày 15-4,  Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã cứu sống bé 14 tháng tuổi ở Hà Nội mắc tay chân miệng trong tình trạng nguy kịch.

e0484891-0958-48b8-a589-11d5b84e0966.jpeg

Bệnh nhi được chăm sóc, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi là L.T.H.N (14 tháng tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) ban đầu chỉ xuất hiện nốt mẩn ở bẹn và đùi, không rõ biểu hiện điển hình của tay chân miệng. Sau đó bé đột ngột sốt cao, co giật toàn thân và nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện trẻ xuất hiện nhiều vết loét trong vòm họng, nốt phỏng nước rải rác vùng mông. Trẻ có tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Kíp trực đã tiến hành cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch, dùng immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIG).

Sau 4 giờ điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhi không cải thiện, trẻ còn sốt cao liên tục, đáp ứng kém với các liệu pháp hạ sốt, huyết động không ổn định, phải sử dụng thuốc vận mạch liều tăng dần. Các bác sĩ đã thống nhất quyết định chỉ định lọc máu liên tục cấp cứu cho bệnh nhi. Trong quá trình lọc máu liên tục 40 giờ, diễn biến lâm sàng tiến triển cải thiện tốt.

Hiện sau 5 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã dừng thuốc vận mạch, thuốc an thần, cai máy thở và rút được ống nội khí quản, trẻ tỉnh, tự thở tốt, huyết động ổn định, ăn uống khá hơn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, khoa Hồi sức tích cực Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang) cho biết, trường hợp bệnh nhi L.T.H.N thuộc thể tối cấp, được chẩn đoán tay chân miệng độ 4 do EV71, diễn biến rất nhanh trong vòng chưa đầy 24 giờ. Bệnh nhi có biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương kèm suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Rất may sau khi lọc máu liên tục tình trạng bệnh được cải thiện, dần hồi phục hoàn toàn.

Các bác sĩ khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, cần đi khám ngay khi trẻ có biểu hiện: sốt cao khó hạ, ăn kém, giật mình, run chân tay, quấy khóc vô cớ, kích thích, nôn nhiều… để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Thời gian gần đây, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố có xu hướng gia tăng. Trong 2 tuần qua, Hà Nội ghi nhận trung bình từ 190-200 ca mắc tay chân miệng/tuần.

Cộng dồn từ đầu năm 2025 đến nay, thành phố ghi nhận 976 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2024 là 391 trường hợp.

Để phòng bệnh tay chân miệng, CDC Hà Nội khuyến cáo, phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ; tập cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi... Khi nấu thức ăn, chăm sóc, thay tã cho trẻ, người lớn cũng cần vệ sinh tay và các dụng cụ sạch sẽ bằng xà phòng. Đồng thời, phụ huynh cần chú ý vệ sinh sàn nhà, đồ chơi, các bề mặt mà trẻ hay tiếp xúc; thực hiện ăn chín, uống sôi…

Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh không cho dùng chung đồ với trẻ khác, tránh tiếp xúc gần và không cho trẻ đến trường, nơi đông người cho đến khi khỏi bệnh.

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết