A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Thủy điện Hồi Xuân tạm dừng thi công: Có thể dùng ngân sách xây dựng công trình dân sinh trước?

Dự án Thủy điện Hồi Xuân từng được kỳ vọng là một trong những công trình thủy điện lớn nhất tỉnh Thanh Hóa.

Nhưng đã 11 năm trôi qua, công trình này vẫn còn dở dang, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân cũng như kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ngừng thi công do thiếu vốn

Dự án Thủy điện Hồi Xuân được xây dựng trên sông Mã tại huyện Quan Hóa, Thanh Hóa có tổng mức đầu tư khoảng 3.320 tỷ đồng, công suất lắp máy 102MW với 3 tổ máy, sản lượng điện hằng năm đạt 432 triệu KWh, do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam, làm chủ đầu tư, được khởi công vào tháng 3-2010.

Tuy nhiên, khi đang triển khai dự án, do không đủ năng lực tài chính, VNECO đã phải dừng thi công. Đến tháng 6-2014, Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông mua lại cổ phần và trở thành cổ đông chính nắm giữ khoảng 90% cổ phần của VNECO. Năm 2015, Dự án Thủy điện Hồi Xuân được chuyển giao cho Công ty TNHH dịch vụ-thương mại-sản xuất-xây dựng Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh cho khoản vay thương mại 125 triệu USD từ Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ). Nhờ đó, dự án được thi công trở lại vào năm 2017, nhưng cũng chỉ được một thời gian lại phải dừng lần thứ hai vì thiếu vốn.

 
Công trình Thủy điện Hồi Xuân đã dừng thi công từ quý 2 năm 2018 đến nay. 

Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, từ quý 2-2018 đến nay, Dự án Thủy điện Hồi Xuân đang tạm dừng thi công xây dựng do thiếu hụt vốn đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Hiện nay chủ đầu tư đang tích cực làm việc với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các ngân hàng thương mại trong nước để ký kết hợp đồng mua bán điện và vay vốn bổ sung nhằm tiếp tục triển khai dự án.

Ông Hà Văn Thống ở bản Phé, xã Phú Xuân lo lắng khi ngôi nhà của gia đình đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Nhiều công trình dân sinh dang dở

Trước tình trạng thiếu vốn nên chủ đầu tư đã dừng thi công, kéo theo nhiều công trình dân sinh được chủ đầu tư cam kết với chính quyền địa phương chưa thể thực hiện. 

Gia đình ông Hà Văn Thống ở bản Phé, xã Phú Xuân là một trong 84 hộ dân thực hiện xen cư nhưng chưa nhận được đền bù, bức xúc: "Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, 3 thế hệ chung sống trong một căn nhà sàn này. Dự án Thủy điện Hồi Xuân cam kết chi trả cho gia đình tôi 70 triệu đồng để tự tìm đất làm nơi ở mới. Đến nay đã hơn 11 năm nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền đền bù, nhà cửa thì không được sửa chữa nên đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi mưa gió cả nhà lại nơm nớp lo âu. Bây giờ có muốn chuyển ra nơi ở mới cũng không biết chuyển đi đâu vì chưa triển khai làm đường, nên không biết chuyển ra vị trí nào cho đúng quy hoạch”.

Người dân bản Phé khi bán Luồng phải kết bè đưa qua sông vì chưa có cầu treo. 

Theo báo cáo của huyện Quan Hóa, hiện nay Thủy điện Hồi Xuân đã triển khai bố trí được một khu tái định cư (TĐC) Sa Lắng cho hơn 50 hộ dân, tuy nhiên một số công trình dân sinh đi kèm vẫn chưa triển khai, như: Kè chống sạt lở ta-luy âm, ta-luy dương; công trình thoát nước; các hạng mục như nhà văn hóa, trường mầm non, sân thể thao...

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng bản Sa Lắng lo lắng: “Mái kè ta-luy dương chưa được thực hiện khiến những hộ dân trong khu TĐC nơm nớp lo sợ mỗi khi có mưa gió bởi dễ xảy ra sạt lở đất, đá xuống khu dân cư”.

Việc hoàn trả công trình công cộng cho địa phương cũng chưa được thực hiện, bao gồm: 3 trạm y tế; 6 điểm trường và 1 trụ sở UBND với tổng giá trị bồi thường hơn 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện triển khai xây dựng hàng loạt công trình dân sinh, như: Hai cây cầu treo là cầu treo Phú Xuân, xã Phú Xuân và cầu treo bản Chiềng, xã Phú Sơn; 5 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 7km.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phạm Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: Nhiều công trình dân sinh chưa được dự án thực hiện, nhất là cây cầu treo nối liền 5 bản bên kia sông Mã với trung tâm xã. Đây đều là những bản đặc biệt khó khăn do giao thông đi lại cách trở, việc đi bằng đò ngang qua sông trong mùa mưa bão như hiện nay rất nguy hiểm, đặc biệt là các cháu học sinh. Mặt khác, do đi lại khó khăn cách trở nên nông sản của bà con không tiêu thụ được, mà nếu có tiêu thụ được thì lãi cũng rất thấp do tăng chi phí vận chuyển. Bà con nhân dân mong muốn Thủy điện Hồi Xuân sớm hoàn thiện các hạng mục công trình như đã cam kết; chi trả đầy đủ tiền đền bù cho các hộ dân. Bên cạnh đó, thủy điện cũng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội cho các hộ dân TĐC nói riêng và nhân dân trên địa bàn xã Phú Xuân nói chung.

Người dân 5 bản bên kia sông Mã đã hơn 4 năm nay phải đi bằng đò ngang khi đến trung tâm xã. 

Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá cho biết, UBND huyện đã có rất nhiều văn bản báo cáo UBND tỉnh về tình trạng và đề xuất có phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án Thuỷ điện Hồi Xuân. “Do những công trình dân sinh thuộc trách nhiệm hoàn trả của Thuỷ điện Hồi Xuân nên chúng tôi cũng không thể sử dụng vốn địa phương để đầu tư. Dự án nếu được hoàn thành sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho huyện nhà. Việc hoàn thiện các công trình theo cam kết sẽ giúp nhân dân địa phương yên tâm phát triển sản xuất. Nếu dự án không thể triển khai thì địa phương cũng rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa có phương án sử dụng ngân sách hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh cấp thiết cho bà con trước; khi dự án triển khai trở lại thì chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước sau”, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá kiến nghị.

Bài và ảnh:  HOÀNG KHÁNH TRÌNH


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết