Giám đốc Lazada Logistics VN kể về 9 lần thử nghiệm gian nan, quyết biến điều ‘điên rồ’ thành hiện thực: Giao hàng TMĐT bằng xe đạp điện!
Lần đầu nghe sếp mình nói về dự án làm xe đạp điện để giao hàng; không ít nhân viên Lazada Logistics Việt Nam nghĩ thầm trong đầu là ‘điên rồ’. Thực tế cho thấy: lo ngại của họ không phải không có lý, khi đã tới phiên bản thứ 9 mà hành trình vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này vẫn tin là viễn cảnh ‘xe đạp điện của Lazada Logistics đi giao hàng khắp nơi’ không còn xa.
"Trong kinh doanh, không có con đường nào là bằng phẳng và không có công việc nào là không có lúc khó khăn. 7 năm qua, Lazada Logistics cũng đã gặp những quãng đường gập ghềnh – trắc trở.
Thậm chí, đôi lần, mình cũng nghĩ ‘thôi hay bỏ’ đi, rồi sau suy nghĩ lại, lại đi nói với mọi người ‘thôi thì mình cố cùng nhau vượt qua’. Ví dụ như cái chuyện làm xe điện để chở hàng. Hiện tại trên thị trường chỉ có xe đạp hoặc xe máy điện nhưng dành cho cá nhân, chứ xe điện chở hàng thì không ai làm cả.
Với tôi, đây không phải là dự án để làm truyền thông mà kế hoạch phục vụ cho mục tiêu kinh doanh dài hạn và phát triển bền vững của công ty. Cắt giảm việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường là trách nhiệm chung của các công ty logistics chứ không phải riêng gì chúng tôi.
Vẫn nhớ, mới đầu, khi tôi đề ra ý tưởng này, không ít nhân viên của công ty phản ứng kiểu ‘điên rồ’. Nhưng giờ thì các bạn cứ hỏi là khi nào thì công ty có thể dùng xe đạp để đi giao hàng", ông Vũ Đức Thịnh - Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam chia sẻ trong CafeTalk số 09 "Người vận chuyển".
Dự án này đã được ông và Lazada Logistics manh nha từ những năm 2018 và sau nhiều năm nó vẫn chưa thành công - tức có sản phẩm cuối cùng để dùng rộng rãi, song lại có những bước tiến rõ nét.
Vấn đề đầu tiên, dù không có chuyên môn về xe điện, nhưng ông buộc phải dấn thân. Vậy nên, vị lãnh đạo này đã phải gặp rất nhiều chuyên gia trong ngành để tìm hiểu thêm về lĩnh vực mình mà mình hoàn toàn không biết rõ.
Để phát triển xe điện chở hàng thì phải có 1 hệ sinh thái bổ trợ cho nó mà một mình Lazada Logistics không thể làm được, vì công ty này đơn thuần chỉ là người sử dụng và phải có 1 đơn vị có chuyên môn tham gia vào.
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai, là không ai chịu làm loại xe điện mới theo yêu cầu của Lazada Logistics. Với những ‘ông lớn’ sản xuất xe đạp và máy điện, sau khi ông nói chuyện thì họ bảo nhỏ quá không làm. Có đơn vị rất lớn qua tìm hiểu nhu cầu của Lazada Logistics, song từ chối: "Chúng tôi tập trung vào cái khác chứ không phải sản phẩm này, nên chúng tôi không thể làm cùng".
Còn lúc ông có đi gặp các đơn vị startup trong ngành – có cả công ty vừa gọi được vốn, để đề nghị hợp tác; sau khi nghe ông trình bày, startup nọ gợi ý: "Hay anh làm cái đơn hàng 1.000 cái, em sẽ sản xuất cho". Ông đáp: "Bây giờ chúng tôi đang thử nghiệm thì làm sao đặt được 1.000 cái".
Quá tuyệt vọng, ông tìm tới Ngân hàng phát triển châu Á, quỹ Phát triển khoa học Liên hiệp quốc tại Hà Nội và ngồi cả ngày để tham dự những sự kiện liên quan mà họ tổ chức, xem có hướng nào để mình có thể đi.
"Ở một hội thảo phát triển xanh kể trên ở Hà Nội, tôi đã gặp 1 bạn startup có dự định phát triển xe điện.
Tôi mới thuyết phục thế này: ‘Bây giờ mà bạn làm xe đạp hay xe máy điện, khó mà ra cạnh tranh được với mấy ông lớn kia. Chắc chắn là bạn sẽ cạnh tranh không lại đâu! Nên thôi bây giờ bạn cứ đồng hành với bên mình, làm thành công xe điện chở hàng và phục vụ được mảng thương mại điện tử, thì sẽ có cơ sở phát triển lên’. Sau đó bạn startup nọ đã về họp với cổ đông và đồng ý hợp tác luôn.
Đầu tiên, họ về làm trước pin để thay cho xe điện chở hàng. Vì pin xe điện chở hàng phải có công suất phải cao hơn xe điện chở người đang nhan nhản trên thị trường. Sau đó, họ làm cho chúng tôi xe điện theo mẫu thiết kế và 2 bên đã có thời gian dài cùng nhau thảo luận – nghiên cứu về mẫu thiết kế tối ưu nhất.
Startup này cũng phụ trách việc đăng kiểm, xây dựng hệ thống để thay đổi pin cho xe đạp…; tức là họ sẽ làm mọi thứ cần thiết để dự án thành công cùng với Lazada Logistics", ông Vũ Đức Thịnh kể.
Một trong những mẫu xe điện đang được Lazada Logistics Việt Nam thử nghiệm gần đây.
Ông cũng tiết lộ, trong nhiều năm qua, cả hai đã làm rồi thất bại, tiếp tục sửa chữa, lại thất bại; và đã 9 lần như thế, thì họ mới làm ra được 1 phiên bản có thể sử dụng được. Tuy nhiên, để có được sản phẩm cuối cùng mang ra sử dụng đại trà, cả hai còn quãng đường dài để đi. Tuy nhiên, quan trọng là họ đã có những bước tiến bộ trông thấy.
"Chúng ta cứ hình dung thế này: ai cũng biết thiết kế cơ bản của 1 cái xe đạp hoặc xe máy điện là như thế nào, nhưng xe chở hàng phải có thêm cái thùng xe, thùng nhỏ quá thì không được, thùng to quá thì cũng không được. Rồi pin như thế nào thì phù hợp với trọng tải của xe, thay pin có dễ không và thay ở đâu? Vì chưa ai từng có sản phẩm thành công trước đó, nên cả 2 chúng tôi phải mày mò từng tý.
Tôi hay nói vui: không khéo vài bữa mình ra làm startup xe điện chở hàng luôn", Giám đốc Lazada Logistics bày tỏ.
Dù gặp nhiều thách thức là thế, ông Vũ Đức Thịnh khẳng định ông và Lazada Logistics sẽ không bỏ cuộc và ngày mà chúng ta thấy các xe đạp điện chở hàng của Lazada Logistics ngang dọc các khu đô thị ở Việt Nam sẽ không còn xa nữa.
Ngoài ra, theo chia sẻ từ vị lãnh đạo này, ngoài sự kiên tâm của ông, sở dĩ dự án này vẫn còn sống sót, là nhờ Lazada cho phép nhân sự ‘thử nghiệm và mắc sai lầm’.