Để doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển bền vững
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ vào năm 2020.
Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam mới có hơn 500 doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KHCN) bởi nhiều doanh nghiệp không “mặn mà” trong việc đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam về vấn đề này.
Ông Hoàng Đức Thảo. |
Phóng viên (PV): Ông đánh giá về nội lực của các doanh nghiệp KHCN hiện nay ở Việt Nam như thế nào?
Ông Hoàng Đức Thảo: Doanh nghiệp KHCN ở Việt Nam hiện nay có hai kiểu: Thứ nhất, người đứng đầu doanh nghiệp vừa làm chủ sở hữu doanh nghiệp vừa là tác giả nghiên cứu ra công nghệ; thứ hai, người đứng đầu doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ của người khác hoặc mua lại doanh nghiệp để tiếp tục đầu tư kinh doanh phát triển.
Phần lớn doanh nghiệp KHCN ở Việt Nam thuộc kiểu thứ hai, chưa tự mình nghiên cứu và làm chủ được công nghệ, còn khá "non trẻ" nên không tránh khỏi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt trong giai đoạn khó khăn của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp KHCN không thể trụ vững trên thị trường và đã giải thể; doanh nghiệp còn trụ được thì sức sống yếu ớt, chỉ số ít doanh nghiệp là mạnh, làm chủ được công nghệ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
PV: Doanh nghiệp KHCN hiện được hưởng những ưu đãi gì, thưa ông?
Ông Hoàng Đức Thảo: Theo Nghị định số 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp KHCN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi về tín dụng; được hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KHCN; hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ Việt Nam. Ảnh: QUANG DUY |
PV: Được hưởng nhiều ưu đãi như vậy, tại sao hiện nay có ít doanh nghiệp đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN?
Ông Hoàng Đức Thảo: Đó là bởi ngay từ khâu đầu tiên đăng ký trở thành doanh nghiệp KHCN đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp. Đơn cử như để được công nhận doanh nghiệp KHCN thì doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu KHCN cũng như phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ KHCN. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ. Trong khi đó, doanh nghiệp KHCN hiện nay vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định.
Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng hiện nay quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Hay như để nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ KHCN. Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp KHCN có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Bởi những nhà khoa học tự bỏ tiền ra, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm KHCN cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án khoa học từ vốn nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước.
PV: Trước những khó khăn trên, ông có đề xuất gì để thúc đẩy doanh nghiệp KHCN phát triển?
Ông Hoàng Đức Thảo: Nhà nước cần đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động KHCN. Bóc tách, phân loại trong hoạt động liên quan đến KHCN. Theo đó, những nghiên cứu cơ bản, hàn lâm, nghiên cứu mang tính quốc gia, liên quan đến quốc phòng, an ninh thì Nhà nước quản lý, còn những nghiên cứu khác hãy xã hội hóa, tạo sân chơi cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp thông qua đấu thầu, đấu giá. Cần xóa bỏ cơ chế xin cho, chỉ định thầu. Không nên chỉ giao đề tài, chỉ tiêu cho viện nghiên cứu, trường đại học. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để doanh nghiệp KHCN hưởng đầy đủ những ưu đãi theo quy định. Giảm mức thuế thu nhập cá nhân đối với những người tự đầu tư tiền bạc và trí tuệ để nghiên cứu sản phẩm KHCN nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến của người làm nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KHCN; tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp KHCN. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KHCN, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực. Đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực KHCN trong từng doanh nghiệp làm cơ sở để xây dựng và phát triển doanh nghiệp KHCN bền vững.
LA DUY (thực hiện)