A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Chuyện gì đang diễn ra tại doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất?

Doanh nghiệp này của Việt Nam là công ty sản xuất hàng đầu châu Á về sản phẩm hóa chất phục vụ cho các ngành kinh tế quan trọng như chất bán dẫn và ngành thực phẩm, đồ uống.

Giá Phốt pho vàng giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023

Phốt pho vàng là một mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất. Theo báo cáo của SunSirs, giá phốt pho vàng (P4) trên thị trường Trung Quốc giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Giá phốt pho vàng trung bình trong tháng 1 là 33.125 Rmb/tấn, và ở mức 22.900 Rmb/tấn vào cuối tháng 6, giảm 30,87%. Trong đó, mức cao nhất trong nửa đầu năm 2023 ở mức 33.250 Rmb/tấn vào ngày 4/1 và mức giá thấp nhất là 20.000 Rmb/tấn vào ngày 14/5.

Giá phốt pho vàng sụt giảm trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh nên thị trường vẫn không rơi vào tình trạng khan hiếm như năm 2021. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào giảm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ ảm đạm khiến các nhà sản xuất phốt pho vàng xuất hàng với giá thấp.

Giá phốt pho vàng giảm 8,53% trong quý 1/2023, các nhà sản xuất bảo dưỡng nhà máy khiến sản lượng sản xuất không tăng mạnh trong bối cảnh sức mua còn yếu. Giá mặt hàng này giảm mạnh hơn trong quý 2/2023, khoảng 24,4%, đặc biệt là trong tháng 4 do các nhà sản xuất photpho vàng bắt đầu đẩy mạnh sản xuất trở lại sau thời gian bảo dưỡng nhà máy, tuy nhiên sức mua vẫn chưa phục hồi.

Chuyện gì đang diễn ra tại doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất? - Ảnh 1.

Tỉnh Vân Nam tiếp tục chịu hán hạn kéo dài do hiện tượng El nino, dẫn đến thiếu hụt nguồn điện phục vụ sản xuất. Trong khi đó, năng lực sản xuất P4 tại tỉnh Vân Nam chiếm hơn 40% tổng năng lực sản xuất P4 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều nhà sản xuất nhận định rằng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghệ thông tin cũng được dự báo phục hồi trong 2 quý cuối năm 2023. Ngoài ra, sau một thời gian bất ổn kéo dài và nhu cầu của người tiêu dùng giảm do đại dịch, thị trường ô tô châu Âu cuối cùng cũng có dấu hiệu phục hồi với mức tăng trưởng 17%. Các yếu tố trên sẽ là nhân tố đẩy giá phốt pho vàng kỳ vọng phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm 2023.

Hóa chất Đức Giang "bay" 50% lợi nhuận

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) là nhà sản xuất phốt pho và các sản phẩm từ phốt pho hàng đầu Việt Nam. DGC cũng là nhà xuất khẩu phốt pho vàng - nguyên liệu thiết yếu cho ngành sản xuất chất bán dẫn và ngành thực phẩm, đồ uống lớn nhất châu Á

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu thuần của DGC trong quý 2 đạt 2.414 tỷ đồng (giảm 40% so với cùng kỳ) do sản lượng và giá bán các sản phẩm chủ lực giảm. Phốt pho vàng có mức sản lượng tiêu thụ giảm 48% và giá bán giảm 28%. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ WPA tăng 88% so với cùng kỳ (chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ do nhu cầu sản xuất phân bón của quốc gia này tăng trong quý 2.

So với quý trước thì giá bán trung bình P4 chỉ giảm khoảng 13% trong quý 2/2023, thấp hơn mức giảm chung của giá thị trường là 24% nhờ DGC có tập khách hàng Đông Á cao cấp. Ngoài ra, DGC còn bán thêm axit photphoric nhiệt cho khách hàng Mỹ và Hàn Quốc - những khách hàng thuộc phân khúc trung lưu.

Chuyện gì đang diễn ra tại doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất? - Ảnh 2.

Biên lãi gộp quý 2 của công ty cải thiện hơn so với quý trước. Biên lãi gộp trong quý 2 đạt 39%, cao hơn 3 điểm phần trăm so với quý trước nhờ tỷ trọng đóng góp của phốt pho vàng và WPA cao hơn trong quý 1. Biên lãi gộp của 2 sản phẩm này dao động 30 - 35% và chiếm hơn 50% lợi nhuận gộp của DGC.

Kiểm soát tốt chi phí hoạt động để "bảo vệ" lợi nhuận ròng. Ngoài ra, Công ty nỗ lực kiểm soát chi phí hoạt động trong bối cảnh tình hình kinh doanh không thuận lợi, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 25% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, DGC vượt 11% kế hoạch doanh thu và vượt 40% so với chỉ tiêu lợi nhuận quý 2.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, "ông lớn" ngành hóa chất này ghi nhận doanh thu đạt 4.896,76 tỷ đồng, giảm 35,9% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 49,9%, về 1.704,6 tỷ đồng.

DGC sở hữu chuỗi sản xuất khép kín, sản xuất các sản phẩm gốc phốt pho đa dạng nên công ty linh hoạt trong việc chuyển đổi sản phẩm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường. Công ty đã hoàn tất việc thâu tóm các công ty con nhằm đa dạng hóa sản phẩm của chuỗi sản khép kín. Trong nửa đầu năm 2023, DGC đã mua lại 100% cổ phần của Công ty cổ phần Phốt pho 6 và và 51% cổ phần Ắc quy Tia Sáng (TSB).

Chuyện gì đang diễn ra tại doanh nghiệp Việt Nam sản xuất mặt hàng quan trọng bậc nhất đối với ngành hóa chất? - Ảnh 3.

"Chúng tôi nhận định việc DGC thực hiện các thương vụ thâu tóm sẽ giúp DGC có động lực tăng trưởng lớn trong trung và dài hạn. Cụ thể, Công ty gia tăng thêm 10 nghìn tấn P4 để đáp ứng nhu cầu xuất, bên cạnh đó sẽ có thêm 2 sản phẩm chế biến sâu là sodium tripoly phostphate và sodium hexametha photphate.

Ngoài ra, DGC sẽ tận dụng nền tảng của Ắc quy Tia Sáng để sản xuất pin lithium - một yếu tố rất quan trọng cho dòng xe điện hiện nay, Công ty đã nghiên cứu và tiến hành thử nghiệm pin lithium trong quý 2/2023", báo cáo của công ty chứng khoán Bảo Việt phân tích.

Trước đó, VnDirect cũng dự báo lợi nhuận ròng của DGC dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2024 (tăng 13,7% so với cùng kỳ) nhờ nhu cầu phục hồi đối với các mặt hàng điện tử và đóng góp từ mảng chlor-alkali-vinyl. Giai đoạn 1 của dự án Chlor-alkali-vinyl (CAV) hoàn thành vào quý 3/2024 sẽ đóng góp 25% doanh thu hàng năm và đưa nhà máy của DGC trở thành nhà máy sản xuất xút số 1 về công suất thương mại tại Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết