A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Ngày 21/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức PATH tổ chức hội nghị tổng kết dự án “Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: Cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm”.

Đây là chương trình giáo dục sức khỏe học đường đầu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến nhằm hướng đến giáo dục sớm và dự phòng “sát thủ thầm lặng” mang tên bệnh không lây nhiễm.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Phó Trưởng ban Điều phối dự án; bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức PATH tại khu vực Đông Nam Á; đại diện lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, trường học tỉnh, thành phố tham gia dự án.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết dự án "Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: Cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm”

Nguy cơ từ bệnh không lây nhiễm

Ở Việt Nam, bệnh không lây nhiễm (KLN) là nguy nhân dẫn tới 77% số ca tử vong. Thanh, thiếu niên (từ 10 - 24 tuổi) cũng là nhóm tuổi có nguy cơ mắc các bệnh KLN (theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020). Giai đoạn đầu tuổi vị thành niên là thời điểm then chốt khi những tác động tiêu cực có thể gây ra thói quen lâu dài và để lại hậu quả bất lợi ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe cuộc sống sau này.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Một buổi truyền thông dưới cờ sinh động về bệnh KLN của học sinh THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát đầu kỳ của dự án, có tới 85% thanh, thiếu niên còn thiếu kiến thức về phòng, chống bệnh KLN. Bốn yếu tố nguy cơ chính có thể phát triển ở tuổi thanh thiếu niên dẫn đến bệnh KLN ở tuổi trưởng thành là: Chế độ ăn uống không lành mạnh; thiếu hoạt động thể lực; sử dụng thuốc lá và sử dụng đồ uống có cồn (theo báo cáo khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam 2019).

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Các đại biểu dự Hội nghị tổng kết dự án "Chương trình sức khỏe thế hệ tương lai: Cùng thanh thiếu niên ứng dụng dữ liệu và công nghệ tiên tiến trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm”

Sự ra đời của dự án Sức khỏe thế hệ tương lai

Theo ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT: “Dự án này bám sát mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ GD&ĐT triển khai công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, đó là chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 2/10/2021 và đề án “Bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2018 - 2025” ban hành kèm theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 8/1/2019 (Gọi tắt là Đề án số 41)".

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Học sinh, giáo viên và cán bộ chương trình trong ngày ra mắt ứng dụng Sức khỏe tương lai tại trường học

Dự án chương trình Sức khỏe thế hệ tương lai tại Việt Nam được triển khai với mục tiêu cải thiện sức khỏe của thanh, thiếu niên thông qua việc kiểm soát và loại bỏ các hành vi nguy cơ liên quan tới bệnh KLN.

Qua 3 năm triển khai dự án (2021 - 2023), chương trình đã có 15 trường THCS và THPT tại 3 tỉnh thành phố Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng tham gia. Hơn 24.000 học sinh, 1.000 giáo viên với tổng cộng hơn 40.000 người được hưởng lợi từ dự án.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT, phát biểu tại hội nghị

Mô hình giáo dục đột phá

Để phát triển chương trình giáo dục nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng, chống bệnh KLN cho học sinh trong cơ sở giáo dục, dự án đã thiết kế một mô hình tổng thể kết hợp giữa truyền thông và giảng dạy trong nhà trường; kết hợp tự học và hỗ trợ trực tuyến thông qua ứng dụng Sức khỏe tương lai sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức PATH tại Khu vực Đông Nam Á: “Đây là cách tiếp cận hiện đại trên thế giới nhưng hoàn toàn phù hợp với chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục của Bộ GD&ĐT và chiến lược toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới về sức khỏe kỹ thuật số”.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

TS.BS Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chương trình, Tổ chức PATH phát biểu tại hội nghị tổng kết dự án

Chương trình bao gồm 11 bài học về phòng, chống bệnh KLN, trong đó có cả chủ đề sức khỏe tinh thần. Trước giờ học, các học sinh cùng cha mẹ tìm hiểu kiến thức qua các bài đọc sinh động trên ứng dụng. Cha mẹ còn có thể đồng hành thông qua việc theo dõi chỉ số sức khỏe và cùng con lập kế hoạch thay đổi bản thân. Thông qua ứng dụng, các nhà quản lý giáo dục, nhà trường và thầy cô cũng có thể dễ dàng theo dõi để có những hỗ trợ và điều chỉnh kịp thời.

Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất - Bộ GD&ĐT cho biết: “Đây là chương trình đầu tiên được Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức PATH triển khai, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh, sinh viên. Chương trinh đã thu hút không chỉ học sinh tham gia vào các hoạt động truyền thông giáo dục mà cả giáo viên, cán bộ quản lý và cha mẹ học sinh cũng cùng tham gia vào dự án này”.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Buổi truyền thông dưới cờ sinh động về bệnh KLN của học sinh THPT Trần Phú, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng

Ngoài ra, các trường cũng đã tổ chức nhiều hình thức truyền thông đổi mới, do chính học sinh tham gia tuyên truyền, giúp các em có cơ hội tìm hiểu thêm kiến thức, từng bước thay đổi nhận thức và thực hành hành vi sống lành mạnh. Đơn cử như chương trình đã tổ chức 180 buổi truyền thông dưới cờ, 30 sự kiện thể thao, 15 cuộc thi sáng tạo sản phẩm truyền thông cấp trường và 3 cuộc thi cấp tỉnh với chủ đề dự phòng bệnh KLN.

Khả năng áp dụng trong tương lai

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Ban Điều phối dự án cấp Trung ương và địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình của thành viên Tổ chức PATH đã giúp học sinh, giáo viên có thêm nhiều kiến thức, nhận thức về sức khỏe.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Các đại biểu dự hội nghị tổng kết

Nhiều thói quen lành mạnh của học sinh được hình thành, phát triển và vận dụng tốt vào cuộc sống thực tế. Từ kết quả khảo sát cuối kì cho thấy, mức độ hiểu biết của học sinh về bệnh KLN tăng lên đáng kể. Tỷ lệ học sinh có đầy đủ kiến thức về bệnh KLN, hành vi nguy cơ và cách dự phòng bệnh KLN đạt khoảng 90%; tỷ lệ thay đổi các hành vi nguy cơ của học sinh sau khi tham gia dự án là 25%.

Tuy nhiên để tích cực duy trì, mở rộng hiệu quả triển khai hoạt động dự án, chương trình rất cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp quản lý giáo dục, nhà trường và gia đình.

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục phòng, chống bệnh không lây nhiễm

Các học sinh tham dự hội nghị tổng kết dự án

Trong phiên tọa đàm, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT 3 tỉnh, thành phố tham gia dự án đã thảo luận các vấn đề khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai dự án. Những giải pháp, bài học kinh nghiệm đã được các đơn vị áp dụng thành công và định hướng duy trì và nhân rộng tại các cơ sở giáo dục khác.


Tác giả: Hoàng Bảo
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết