Tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng và mật mã trong tình hình mới
Diễn ra sáng 15-6, Hội thảo “An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia” là sự bổ trợ, tương tác, sự kết hợp giữa sức mạnh lý luận chính trị và sức mạnh khoa học công nghệ, giúp cho các chủ thể có nhận thức đúng đắn, khách quan, toàn diện và chính xác vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng và mật mã trong nền an ninh quốc gia trong bối cảnh mới hiện nay.
Quang cảnh hội thảo An ninh mạng và Mật mã trong nền an ninh quốc gia. |
Tại hội thảo, các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức đã trao đổi, thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về an ninh mạng, mật mã và quản trị an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Hữu Hùng, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ nhận định, trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, vấn đề an ninh quốc gia cần được hiểu một cách toàn diện hơn, rộng hơn, sâu hơn, không chỉ có các vấn đề an ninh chính trị, quân sự truyền thống, mà còn bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống-đây là những vấn đề an ninh nổi lên bắt nguồn từ những nguy cơ mới, tác động đa chiều của quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
TS Nguyễn Hữu Hùng, Phó trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu khai mạc hội thảo. |
Với việc xem không gian mạng là vùng “lãnh thổ đặc biệt” thì bảo mật, an ninh mạng và an toàn thông tin sử dụng kỹ thuật mật mã sẽ ngày càng khẳng định vai trò của mình trong bảo vệ chủ quyền, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của các quốc gia.
Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng Phụ trách cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ này đã chỉ đạo ngăn chặn triệt để 6.930 website vi phạm pháp luật, 2.022 website lừa đảo bị ngăn chặn, bảo vệ hơn 7,7 triệu người dân (tương ứng 10,1% người dùng internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Theo Bộ Công an trong 5 năm qua đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng...
Ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng Phụ trách cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tham luận tại hội thảo. |
Trong việc quản trị an toàn, an ninh mạng (ATANM), ông Trần Đăng Khoa nêu ra một số tồn tại như vẫn còn 38,1% hệ thống thông tin (HTTT) của các bộ, ngành và địa phương chưa phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ; tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn HTTT theo cấp độ còn thấp; nhân sự chuyên trách về an toàn, an ninh mạng còn thiếu; năng lực nhân sự cần được cải thiện; nhận thức về ATANM nhiều cơ quan, tổ chức và người dẫn vẫn còn hạn chế; tình trạng phát tán tin giả, thông tin vi phạm pháp luật phổ biến. Bên cạnh đó, công nghệ mới xuất hiện như: Trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, Deep Fake,… và được các tin tặc ứng dụng vào tấn công mạng, lừa đảo thì mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.
Để làm rõ xu hướng tấn công mạng PGS, TS Trần Quang Anh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ 4 xu hướng tấn công mạng, cụ thể: Một là các nhóm tấn công giờ đây không chỉ là các hội nhóm, cá nhân hoạt động riêng lẻ, bột phát, mà đó là các nhóm tấn công nguy hiểm, có tổ chức; hai là các nhóm tấn công có trình độ cao, được đào tạo bài bản về ATTT; ba là sử dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo; bốn là việc khai thác triệt để các thiết bị IoT dân dụng như camera, thiết bị di động, thiết bị smarthome.
Từ những thực trạng trên, nhiều ý kiến tham luận tại hội thảo đã tham mưu, đề xuất các chủ trương và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực an ninh mạng và cơ yếu cũng như tập trung nguồn lực cho quản trị an ninh mạng. Trong các vấn đề đặt ra trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Tùng Hưng, Phó tư lệnh Bộ tư lệnh 86 nhấn mạnh đến việc xây dựng, bố trí thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng; xác định, thống nhất về tổ chức, bố trí các lực lượng. Từ đó giúp phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội, chủ động ứng phó từ sớm, từ xa các nguy cơ, thách thức, hoạt động gây tổn hại đến chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng và an toàn thông tin quốc gia.
Hội thảo có sự tham dự đông đảo của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan trung ương Bộ, Ban, Ngành. |
Cũng xoay quanh các giải pháp, PGS, TS Trần Quang Anh đề xuất 3 giải pháp khung để ứng phó, dưới góc nhìn của một cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực an toàn thông tin. Đầu tiên là cần có chính sách đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ kỹ thuật, cũng như nâng cao nhận thức cho người dùng cuối. Thứ hai là phát triển các nền tảng, công nghệ lõi cho đảm bảo an toàn thông tin, trong đó nhấn mạnh 5 nền tảng công nghệ cần phải nắm vững: Một là mật mã học; hai là CSDL lỗ hổng bảo mật; ba là hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia; bốn là hệ thống tường lửa quốc gia, có khả năng kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn; cuối cùng, đương nhiên không thể thiếu là làm chủ công nghệ về AI. Giải pháp khung cuối cùng là chính sách hỗ trợ các sản phẩm Make in Vietnam.
Các đại biểu chụp ảnh chung. |
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo đó cũng đề xuất xác lập những nguyên tắc để đảm bảo an ninh mạng, an ninh phi truyền thống; đề xuất giải pháp quản trị an ninh mạng, an ninh quốc gia ở góc độ xây dựng khung pháp lý, các chính sách thông tin đối ngoại, thông tin đối nội một cách độc lập và bằng nguồn lực riêng của đất nước; xây dựng lá chắn điện tử, xây dựng nền tảng thiết bị di động, làm chủ các chuỗi công nghệ an toàn…
Hội thảo do Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức, với sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ gần 30 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và trên 50 cơ quan báo chí Trung ương, địa phương. Đã có hơn 30 tham luận, báo cáo khoa học được gửi tới từ các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà lãnh đạo của các cơ quan trung ương ban, bộ, ngành; trong đó có 08/34 tham luận được trình bày tại hội thảo. Hội thảo là nhiệm vụ quốc gia, thuộc Đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia”, mã số KX.04.32/21-25, thuộc Chương trình Nghiên cứu Khoa học Lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025 của Hội đồng Lý luận Trung ương, do Học viện Báo chí và Tuyên truyền là cơ quan chủ trì, PGS, TS Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền là Chủ nhiệm đề tài. |