A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+

Apple chính thức ‘chia tay’ Nhật Bản: Từ kẻ thống trị chiếm 70% sản xuất màn hình iPhone đến nỗi đau bị từ bỏ của cường quốc công nghệ Châu Á

Những hãng như JDI của Nhật Bản từng phụ thuộc 60% doanh thu vào Apple nhưng lại đang lỗ ròng 10 năm liên tiếp cũng chỉ vì iPhone. Trong khi đó Sharp cũng đang phải thu hẹp mảng LCD, giảm công suất và đóng cửa nhà máy.

Apple chính thức ‘chia tay’ Nhật Bản: Từ kẻ thống trị chiếm 70% sản xuất màn hình iPhone đến nỗi đau bị từ bỏ của cường quốc công nghệ Châu Á- Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay Apple sẽ chính thức chuyển từ dùng màn hình LCD sang OLED trên toàn bộ mẫu iPhone trong năm nay, kể cả với dòng giá rẻ iPhone SE.

Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp đồng 2 hãng sản xuất màn hình của Nhật Bản là JDI và Sharp, qua đó hoàn toàn "chia tay" với cường quốc công nghệ Châu Á này khỏi chuỗi cung ứng iPhone của nhà táo khuyết.

Đây là thông tin gây chấn động khi cách đây 10 năm, cả JDI và Sharp còn chiếm đến 70% thị phần cung ứng màn hình cho iPhone nhưng giờ đây bị từ bỏ vì chậm đổi mới công nghệ. Hiện nay Trung Quốc và Hàn Quốc mới là những nhà cung ứng màn hình OLED chính cho Apple.

Nguồn tin của Nikkei cho hay Apple hiện đang bắt đầu đặt hàng màn hình OLED cho iPhone SE từ nhà cung ứng BOE Technology Group của Trung Quốc và LG Display của Hàn Quốc.

Apple chính thức ‘chia tay’ Nhật Bản: Từ kẻ thống trị chiếm 70% sản xuất màn hình iPhone đến nỗi đau bị từ bỏ của cường quốc công nghệ Châu Á- Ảnh 2.

Doanh số OLED dự kiến vượt LCD trong năm nay (triệu tấm)

Hiện Samsung Electronics của Hàn Quốc đang chiếm đến một nửa thị phần cung ứng màn hình OLED cho iPhone, trong khi LG chiếm 30% và BOE có 20% còn lại. Cả JDI lẫn Sharp đều không cung ứng màn hình OLED cho smartphone và hợp đồng cung ứng LCD của họ cho dòng iPhone SE được coi là sẽ chấm dứt trong năm nay.

Công nghệ màn hình OLED được cho là mang lại màu sắc sống động hơn và độ tương phản sắc nét hơn so với LCD. Với nhu cầu ngày càng tăng đối với điện thoại thông minh để xem phim, thể thao và chơi trò chơi, Samsung đã bắt đầu bán màn hình OLED để thay thế cho LCD vào năm 2009.

Trong khi đó, Apple lần đầu tiên sử dụng tấm nền OLED trong iPhone X ra mắt vào năm 2017. Kể từ đó, nhà táo khuyết đã chuyển từ LCD sang OLED cho các mẫu cao cấp của mình.

Vào năm 2015, JDI và Sharp đã cung cấp gần 200 triệu tấm màn hình LCD hàng năm cho iPhone nhưng con số đó đã giảm xuống còn khoảng 20 triệu vào năm 2023.

Báo cáo của hãng nghiên nghiên cứu thị trường Omdia, tổng lượng tiêu thụ màn hình OLED cho điện thoại sẽ lần đầu tiên vượt qua LCD trong năm nay. Bởi vậy việc Apple dự kiến cắt giảm thêm lượng mua LCD khi iPad và các sản phẩm khác chuyển hết sang OLED là điều dễ hiểu.

Trước đây, các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn coi Apple là khách hàng chính của họ và đã mở rộng sản xuất để đáp ứng với lượng doanh số bán iPhone. Tuy nhiên, đà giảm sút doanh số iPhone cùng việc LCD thất sủng trước OLED đã làm thay đổi tất cả.

Ví dụ JDI từng phụ thuộc 60% doanh thu vào Apple, thế nhưng sự xuất hiện của OLED đã khiến hãng này bị dư thừa công suất. Tập đoàn đã ghi nhận lỗ ròng trong 10 năm liên tiếp cho đến hết tháng 3/2024.

Mặc dù JDI đang phát triển OLED nhưng đã quá muộn và hãng mới chỉ cung cấp màn hình OLED cho các thiết bị như Apple Watch với số lượng nhỏ. Hiện công ty này đang cải tổ chiến lược kinh doanh khi chuyển sang cung ứng LCD cho ô tô điện.

Về phía Sharp, tập đoàn này đang thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh LCD.

Vào tháng 8/2024, Sharp đã ngừng hoạt động tại nhà máy Sakai ở Osaka, nơi vốn sản xuất LCD lớn cho TV, đồng thời giảm công suất tại nhà máy Kameyama ở tỉnh Mie.

*Nguồn: Nikkei

 
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết